Bộ máy quản lý trường mầm non

Hiệu trưởng:

Theo Điều lệ trường MN do Bộ GD&ĐT ban hành: [6]

– Hiệu trưởng nhà trường MN là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý các hoạt động và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà trường.

– Hiệu trưởng do Chủ tịch UBND cấp quận (huyện) bổ nhiệm đối với nhà trường công lập; công nhận đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục theo đề nghị của Trưởng phòng GD&ĐT.

– Nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường công lập là 5 năm; hết nhiệm kỳ, hiệu trưởng được bổ nhiệm lại hoặc luân chuyển sang một trường khác lân cận theo yêu cầu điều động. Sau mỗi năm học, hiệu trưởng được cấp có thẩm quyền đánh giá về công tác quản lý các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.

 

Các tiêu chuẩn của người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm Hiệu trưởng nhà trường như sau:

– Có trình độ chuẩn được đào tạo là có bằng trung cấp sư phạm MN, có ít nhất 5 năm công tác liên tục trong giáo dục MN. Trường hợp do yêu cầu đặc biệt của công việc, người được bổ nhiệm hoặc công nhận là Hiệu trưởng có thể có thời gian công tác trong giáo dục MN ít hơn theo quy định;

– Đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng CBQL; có uy tín về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ; có năng lực tổ chức, quản lý nhà trường, nhà trẻ và có sức khoẻ.

Nhiệm vụ và quyền hạn của người Hiệu trưởng như sau:

– Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục từng năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

– Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường, nhà trẻ; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó. Đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;

– Phân công, quản lý, đánh giá, xếp loại; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển; khen thưởng, thi hành kỷ luật đối với GV, nhân viên theo quy định;

– Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường, nhà trẻ;

– Tiếp nhận trẻ em, quản lý trẻ em và các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà trường, nhà trẻ; quyết định khen thưởng, phê duyệt kết quả đánh giá trẻ theo các nội dung nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định;

– Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia các hoạt động giáo dục 2 giờ trong một tuần; được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định;

– Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị – xã hội trong nhà trường, nhà trẻ hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ;

– Thực hiện xã hội hoá giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng.

 

Tóm lại, Hiệu trưởng là người quản lý tất cả các hoạt động của nhà trường theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm về thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hiệu trưởng phân công công việc cho Phó Hiệu trưởng để cộng đồng trách nhiệm, thường xuyên tổ chức họp giao ban (1 lần/tuần) để nắm bắt, phân tích, xử lý thông tin để có những quyết định kịp thời.

Phó Hiệu trưởng

Theo Điều lệ trường MN do Bộ GD&ĐT ban hành: [6]

– Phó Hiệu trưởng là người giúp việc cho Hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng.

– Phó Hiệu trưởng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận (huyện) bổ nhiệm đối với nhà trường, nhà trẻ công lập; công nhận đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục theo đề nghị của Trưởng phòng GD&ĐT.

 

Tiêu chuẩn của người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm Phó Hiệu trưởng nhà trường như sau:

– Có bằng trung cấp sư phạm MN, có ít nhất 3 năm công tác liên tục trong giáo dục MN. Trường hợp do yêu cầu đặc biệt của công việc, người được bổ nhiệm hoặc công nhận phó hiệu trưởng có thể có thời gian công tác trong giáo dục MN ít hơn theo quy định;

– Có uy tín về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ; có năng lực quản lý nhà trường, nhà trẻ và có sức khoẻ.

 

Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Hiệu trưởng:

– Chịu trách nhiệm điều hành công việc do hiệu trưởng phân công;

– Điều hành hoạt động của nhà trường, nhà trẻ khi được Hiệu trưởng ủy quyền;

– Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia các hoạt động giáo dục 4 giờ trong một tuần; được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định.

 

Tóm lại, Phó Hiệu trưởng là người giúp việc cho Hiệu trưởng, chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về những việc được phân công, cùng Hiệu trưởng chịu trách nhiệm liên đới trước Đảng, Nhà nước và ngành GD&ĐT trong việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên về các hoạt động của nhà trường MN.

 

Share This
COMMENTS
Comments are closed