Giáo viên và những ảnh hưởng đến giới tính của trẻ

Khi trẻ rời gia đình đến trường học, bé trai và bé gái tiếp tục được đối xử khác nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, giáo viên mầm non và tiểu học thiên về giáo dục nữ tính hơn là nam tính khi đề cao sự vâng lời, phụ thuộc – những phẩm chất mà xem ra chỉ phù hợp với vai trò giới của con gái. Còn những phẩm chất khác như hăng hái, quyết đoán, cạnh tranh, độc lập hầu như ít được tán thành ở trường học. Giáo viên có xu hướng rèn dũa khuôn mẫu giới tính ở bé trai khắt khe hơn so với bé gái. Ở trường mẫu giáo, các bé trai và bé gái đều được khích lệ, tạo điều kiện tham gia vào những hoạt động nhẹ nhàng, yên tĩnh thay vì chạy nhảy, nô đùa, đuổi bắt…Tuy vậy, bé trai vẫn bị cô giáo, bạn bè để ý, phê phán khi có những hành vi của giới khác như khi chơi các trò chơi được cho là “của con gái” hoặc khi quá chăm chút cho diện mạo của mình. Còn các bé gái thì dường như ít bị cô và các bạn chỉ trích khi chơi trò chơi của con trai (Fagot, 1985). Trong lớp học, cô giáo thường chấp nhận sự nhõng nhẽo, giao tiếp bằng cử chỉ điệu bộ của con gái nhiều hơn con trai. Đó là một sức mạnh ngẫu nhiên khiến bé trai có được hành vi giới tính phù hợp hơn bé gái, còn bé gái có cơ hội để “lấn sâu” vào các hành vi giới tính của con trai, vì thế hành vi xử sự của bé gái cũng phong phú hơn bé trai [4,8].

Khi nghiên cứu những phương tiện, thiết bị được sử dụng ở các lớp học của 42 trường mẫu giáo tại 2TNew Zealand, Meade (1985) thấy rằng, số thiết bị dành cho bé trai nhiều gấp hai lần số dành cho bé gái; các đồ chơi mang tính chất “nam tính” rất đa dạng, cho phép các bé trai có những cơ hội khám phá, thí nghiệm, tìm hiểu thế giới khoa học kĩ thuật, phát triển các kĩ năng cơ bắp, kĩ năng toán học, kĩ năng tổ chức, tạo cơ sở để hình thành vai trò thủ lĩnh… Còn đồ chơi mang tính chất “nữ tính” dành cho các bé gái chủ yếu là để thực hiện vai trò giới trong gia đình như chăm sóc, nội trợ… giúp bé gái phát triển những cơ nhỏ, phối hợp tay mắt, sự tập trung chú ý… Điều này có thể nhìn nhận như một sự chuẩn bị cho các hành vi sau này của trẻ [8, tr.36].

2TChính vì vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi các bé gái thường học tốt hơn bé trai ở những năm đầu phổ thông, nhất là về các kĩ năng đọc, viết (Lummin & Stevensai, 1990) và thực hiện các qui tắc, nội qui của trường học trong khi bé trai thể hiện sự thiếu hụt trong những mặt này.

Trong suốt giai đoạn mẫu giáo và tiểu học, giáo viên luôn phải khống chế các hành vi gây gổ hoặc không phù hợp của cả trẻ gái lẫn trẻ trai, song họ phải bận tâm đến con trai nhiều hơn. Kết quả là, trẻ gái có xu hướng thích gần gũi và nói chuyện với cô giáo nhiều hơn, còn trẻ trai thể hiện tính dứt khoát ở mức độ cao hơn. Chính vì vậy mà giáo viên thường nhận xét “con gái ngoan hơn con trai ”. Kiểu hành vi thụ động và phụ thuộc được giáo viên chấp nhận, khuyến khích ở trẻ gái khi học mẫu giáo và tiểu học về lâu dài trở thành những bất lợi, cản trở sự thành đạt của trẻ trong các lĩnh vực khoa học sau này. Dweck & Leggentt (1988) cho rằng, sự thành đạt về trí tuệ liên quan tỉ lệ nghịch với tính phụ thuộc vì tính độc lập, quyết đoán và không tuân thủ một cách máy móc thường dẫn đến khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và mức độ thành đạt cao hơn ở cả bé gái và bé trai.

Thêm vào đó, các nghiên cứu của Dweck Gietz & Strauss (1980); Dweck & Elliott (1983) cho thấy, phản ứng mang tính phân biệt giới tính với kết quả học tập của học sinh từ phía giáo viên cũng có thể góp phần tạo nên sự khác biệt giới tính ở trẻ. Học sinh nữ gặp khó khăn khi giải quyết bài tập thì thường bị xem là thiếu năng lực, còn học sinh nam thì bị cho rằng thiếu động cơ học tập hoặc do các tác động bên ngoài. Sự quy kết này làm các em gái ngày càng giảm đi tính kiên trì, việc thực hiện nhiệm vụ ngày càng kém đi, đôi khi dẫn đến sự thất bại dưới cả mức giới hạn [4,8].

Nhìn chung, những hành vi giới tính một khi đã hình thành sẽ khó sửa. Chính vì vậy, trên nhiều phương diện, trường học với những điều kiện học tập, phương pháp giáo dục, thái độ, cách ứng xử của giáo viên… có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển nhận dạng giới tính và đến sự hình thành khuôn mẫu giới tính ở trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

 

Share This
COMMENTS
Comments are closed