Nguyên nhân gây ọc sữa ở trẻ sơ sinh và một số mẹo hay để hạn chế tình trạng đó

Ở bất kỳ đứa trẻ sơ sinh nào cũng đều từng xảy ra hiện tượng ọc sữa, chỉ khác nhau ở mức độ nhiều hơn hoặc ít hơn mà thôi. Tuy nhiên, nếu tần suất quá dày đặc, việc này có thể gây ra nhiều nguy hiểm mà cha mẹ vẫn chưa biết đến.

Nguyên nhân gây ọc sữa ở trẻ sơ sinh

Hầu hết trẻ em dưới 3 tháng tuổi đều hay bị trớ sữa, tình trạng này xảy ra ngay hoặc khoảng 1 giờ sau khi bú sữa mẹ hoặc bú sữa bình. Nguyên nhân là vì dạ dày của trẻ sơ sinh vẫn còn rất nhỏ, chỉ bằng khoảng một quả bóng golf, cho nên rất dễ được lấp đầy.

Trong khi đó, van giữa dạ dày và thực quản vẫn chưa phát triển hoàn toàn, việc mở và đóng không thuận lợi sẽ khiến cho lượng sữa dễ bị trào ngược ra ngoài nếu như gặp phải một số tác động khác như việc khóc, cười, nằm sai tư thế hoặc gặp áp lực ở vùng bụng của con.

Đây là một hiện tượng rất bình thường và phổ biến. Nó sẽ tự khỏi khi đứa trẻ được 1 tuổi và không phải là vấn đề quá nguy hiểm trừ khi trẻ ngày càng mệt mỏi, chán nản, và khó tăng cân hơn.

mẹo trị ọc sữa cho trẻ sơ sinh

Những dấu hiệu bất thường cần lưu ý

Một bệnh lý khác có biểu hiện khá giống với nôn trớ mà trẻ sơ sinh cũng có thể gặp phải đó là trào ngược dạ dày thực quản (GERD), dấu hiệu để nhận biết là:

Trẻ em có biểu hiện đau sau khi bị nôn trớ.

Ho, thở khò khè, nấc cục nhiều.

Tăng cân chậm.

Có thể bị nôn ra mật xanh, vàng hoặc đỏ như máu.

Có thể viêm phổi do sữa chảy vào nhiều và thường xuyên.

Bệnh này có nhiều mức độ, nếu nhẹ thì không ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu tình hình trở nên nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa trẻ.

Những lời khuyên giúp con giảm nôn trớ

Đây là 3 mẹo mà cha mẹ nên thử:

1. Bế con theo tư thế thẳng đứng sau khi ăn.

Giữ bé trong tư thế này khoảng 15-30 phút sau khi ăn vì trọng lực sẽ giúp sữa ổn định bên dưới dạ dày và ít bị trào ngược ra ngoài.

Tránh để bé nằm ngay sau khi cho bú, cũng đừng nhấc con lên xuống liên tục vì dễ khiến bé nôn nhiều hơn.

2. Cho bé ăn vừa đủ theo nhu cầu

Một số cha mẹ sợ rằng con chưa đủ no hay do cứng nhắc với một chế độ ăn uống nhất định mà ép bé bú quá nhiều sữa và dẫn đến nôn trớ.

Mỗi đứa trẻ sẽ có những nhu cầu khác nhau tùy thuộc vào thể chất, khả năng và độ tuổi của mình. Vì vậy, hãy chỉ cho bé bú theo nhu cầu, khi bé muốn ngừng, đừng gắng ép buộc con.

Hãy thử cho bé bú ít hơn mà thường xuyên hơn. Nếu vừa nôn trớ, hãy cho con một khoảng nghỉ rồi mới cho bú lại.

3. Massage bụng

Hãy thường xuyên massage nhẹ nhàng cho bé. Nó sẽ kích thích tuần hoàn máu tốt hơn và đẩy nhanh quá trình tiêu hóa.

Tuy nhiên, phải tránh xoa bóp mạnh ở bụng, sẽ gây tức và dễ khiến con nôn nhiều hơn.

Một số lưu ý khác

Luôn mang khăn tay để làm sạch miệng của bé trong và sau khi cho con bú sữa.

Không cố gắng thay đổi loại sữa hay thêm vào các loại sữa công thức khác để cố gắng cải thiện tình trạng nôn trớ cho con mà chưa tham khảo qua ý kiến của bác sĩ. Như vậy vừa không thể khiến cho tình trạng ọc sữa của con khá hơn mà thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé.

Không tự ý cho con thử thêm một số loại thức ăn mới khi trẻ chưa đủ tuổi, chẳng hạn như ngũ cốc với ý định giữ cho sữa nặng hơn và nằm yên trong dạ dày của bé.

Tóm lại, tình trạng ọc sữa như thế này hầu hết đều xảy ra khi các bé còn nhỏ, không có gì phải lo lắng cả nếu như con bạn vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên, nếu tình trạng này không dứt hẳn mà còn xuất hiện thêm các triệu chứng bất thường khác thì bạn nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ để được tư vấn một cách chính xác hơn.

Share This
COMMENTS
Comments are closed