Những nguyên nhân nào khiến trẻ thường quấy khóc?

Khóc chính là cách giao tiếp của trẻ nhỏ trong giai đoạn sơ sinh. Nhưng với những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc bé thì thật khó để biết được nguyên nhân vì sao con mình lại khóc. 

Bài viết sau đây sẽ giúp ba mẹ có thêm kinh nghiệm chăm sóc trẻ và giải đáp nguyên nhân vì sao trẻ hay quấy khóc.

1. Do bé đói bụng

Chắc hẳn đây sẽ là lý do đầu tiên mà ba mẹ nghĩ đến khi thấy con mình quấy khóc. Để nhận biết được những dấu hiệu đói ở trẻ, bố mẹ có thể cho bé ăn trước khi cơn đói làm bé trở nên cáu kỉnh và khóc toáng lên.

Một vài dấu hiệu điển hình của cơn đói ở trẻ sơ sinh như: bé tỏ ra khó chịu, chóp chép miệng, có phản xạ tìm ti, nhất là khi bị kích thích ở vùng má, bé sẽ ngay lập tức quay đầu sang hướng má bị chạm hoặc mút tay.

2. Bé cần thay tã

Một vài bé sẽ khóc ngay khi bé tè hoặc ị. Nhưng một số bé khác vẫn có thể chịu đựng sinh hoạt cùng tã bẩn trong một thời gian lâu hơn. Thực tế thì đây là nguyên nhân rất dễ nhận ra và việc chúng ta cần làm là thay tã mới cho bé.

3. Đã đến giờ ngủ của bé

Thay vì gật gù buồn ngủ để báo hiệu đã đến giờ đi ngủ thì một số bé sẽ trở nên cáu kỉnh, rồi khóc toáng lên, nhất là khi bé đã quá mệt, mà ba mẹ không đủ tinh tế để nhận ra.

Hiện tượng quấy khóc khi buồn ngủ rất dễ khiến một số phụ huynh nhầm lẫn với hội chứng Colic ở trẻ. Thực tế, khi vấn đề này xảy ra, ba mẹ chỉ cần cho bé đi ngủ để phục hồi năng lượng là có thể giải quyết được tình trạng quấy khóc ở trẻ.

Ngoài ra, một số bé hay khóc sau khi chơi, sau khi ăn, sau khi thay tã và nếu cứ để bé khóc như vậy, bé sẽ trở nên rất mệt mỏi. Những lúc con khóc, ba mẹ nên ôm con vào lòng, nói với con bằng giọng âu yếm và cứ để bé khóc. Khi được ôm, bé không khóc nhiều nữa, mà sẽ từ từ chìm vào giấc ngủ.

Bên cạnh đó, ba mẹ có thể sử dụng những âm thanh như “shhh”, để dỗ dành trẻ. Âm thanh này có vẻ có hiệu quả cực kỳ tốt. Nhưng để thổi sù sù cả tiếng thì rất cực cho bố mẹ, cách tốt nhất là ghi âm lại âm thanh đó bằng giọng của ba mẹ và mở cho bé nghe. Hiệu quả cũng tốt không kém. 

Trẻ rất thích được bồng bế nhất là những lúc vừa bị ọc sữa xong

4. Trẻ muốn được bồng bế

Trẻ thơ rất thích được âu yếm. Đặc biệt là trẻ thích được nhìn ngắm khuôn mặt bố mẹ, nghe giọng nói của bố mẹ, lắng nghe nhịp đập trái tim và thậm chí có thể phát hiện được cả mùi đặc trưng của bố mẹ nữa. Vì vậy, khi trẻ khóc, chúng ta cũng có thể hiểu rằng trẻ muốn được bố mẹ bế bồng.

Có thể các bậc bố mẹ sợ con sẽ hư nếu ôm ấp con quá nhiều. Nhưng thực tế là trong một vài tháng đầu sau sinh, điều này là không thể. Nếu muốn bế con nhưng để đôi tay vẫn được nghỉ ngơi đôi chút, bố mẹ có thể thử sử dụng các loại đai địu em bé.

Nhiều ông bố, bà mẹ vẫn thường quấn con trong một chiếc chăn mỏng mềm, giữ con ở tư thế như khi cho con bú, để mặt và đầu con chạm nhẹ vào người mẹ. Con rất thích cảm giác có bàn tay mẹ luồn vào tóc và con bình tĩnh lại rất nhanh.

Một số bé trai còn thích nghe giọng nói của mẹ, vì thế mà khi bé khóc quá nhiều, ba mẹ nên ôm con vào lòng, nói với con: Có mẹ đây rồi, mẹ sẽ bảo vệ con. Chỉ sau vài phút, bé sẽ ngủ ngon lành trong vòng tay của mẹ.

5. Bé gặp các vấn đề sức khỏe

Các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi hoặc đau bụng quặn (colic) có thể khiến các bé khóc rất nhiều. Trên thực tế, nguyên nhân gây ra chứng colic vẫn còn chưa rõ ràng.

Triệu chứng bé mắc chứng colic là những cơn khóc của bé kéo dài ít nhất 3 giờ mỗi ngày, ít nhất 3 ngày một tuần và ít nhất 3 tuần trong một tháng. Nếu bé thường xuyên cáu kỉnh và khóc ngay sau khi được cho ăn, có thể bé đang bị đau bụng.

Rất nhiều cặp bố mẹ vẫn thường tin dùng các loại thuốc nhỏ giọt trị đầy hơi hoặc thuốc trị đau bụng quặn cho trẻ (được làm từ các loại thảo mộc và natri bicacbonat). Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng những loại thuốc điều trị này.

Nếu bé nhà bạn không phải khóc do chứng colic và cũng chưa từng tỏ ra khó chịu sau khi ăn, có thể bé khóc vị bị đầy hơi.

Nếu nghi ngờ con bị đầy hơi, có thể thử các động tác đơn giản sau để giúp bé giải quyết vấn đề: Đặt con nằm ngửa, giữ chân con, di chuyển nhẹ nhàng chân của con mô phỏng theo động tác đạp xe.

Những nguyên nhân khác khiến con bị đau bụng bao gồm:

– Chứng trào ngược thực quản
– Cúm dạ dày
– Dị ứng sữa
– Không dung nạp lactose
– Táo bón
– Tắc nghẽn đường ruột

Lưu ý, khi bé bị đầy hơi, ba mẹ cần tìm cách tống lượng hơi dư thừa ra ngoài, nếu để lâu sẽ dễ dẫn tới tình trạng ọc sữa ở trẻ nhỏ.

Mong rằng với những chia sẻ trên đây ba mẹ sẽ có thêm kinh nghiệm nuôi dạy con khỏe mạnh. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm tại đây cách trị ọc sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Share This
COMMENTS
Comments are closed