Tìm hiểu về hiện tượng trớ sữa ở trẻ sơ sinh

Trớ sữa là hiện tượng cực kỳ phổ biến ở trẻ sơ sinh, tùy vào thể trạng mỗi bé mà mức độ trớ sữa rất khác nhau. Tuy nhiên, nếu mức độ trớ sữa càng nhiều thì sẽ gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe cho con. 

Vì thế, trớ sữa là một hiện tượng bình thường nhưng lại rất cần sự lưu tâm của ba mẹ trong vấn đề chăm sóc. Bài viết này sẽ giúp những ông bố bà mẹ có thêm thông tin và kiến thức về triệu chứng trớ sữa ở trẻ nhỏ. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Nguyên nhân khiến trẻ hay trớ sữa

Hầu hết, những trẻ trong giai đoạn sơ sinh đều rất hay bị trớ sữa, trong khi bú sữa hoặc sau khi bú xong. Hiện tượng này thường kéo dài cho đến khi bé được 1 tuổi.

Có rất nhiều nguyên nhân gây trớ sữa cho con nhưng trong giai đoạn sơ sinh bị trớ sữa nhiều là do dạ dày của các bé rất nhỏ, chỉ bằng một quả bóng tennis nên không thể dung nạp được nhiều sữa. Trong khi đó, van nằm giữa dạ dày và thực quản chưa phát triển hoàn thiện, nên việc đóng mở không thuận lợi theo đúng trách nhiệm của nó.

Ngoài ra, trớ sữa còn do bé bị kích thích từ những hoạt động bình thường như khóc, cười, giỡn trong và sau lúc bú. Việc trẻ sơ sinh bị trớ sữa nhiều thường không phải là một vấn đề phải lo lắng trừ khi bé càng lúc càng mệt mỏi, chán nản, khó chịu và không tăng cân.

Vấn đề trớ sữa ở trẻ cần được ba mẹ khắc phục nhanh chóng và kịp thời để tránh những trường hợp sữa tràn lên mũi gây kích ứng ở mũi, sưng mũi và khó thở rất nguy hiểm cho trẻ. 

Trẻ thường khóc khi bị trớ sữa

2. Những triệu chứng trớ sữa bất thường ở trẻ

Trẻ bị trớ sữa do bệnh lý thường ọc sữa nhiều hơn bình thường và dường như không có chiều hướng thuyên giảm. Đa phần, trẻ có nguy cơ bị chứng trào ngược dạ dày là nhiều vì bệnh này có biểu hiện rất giống trớ sữa sinh lý, nên ba mẹ thường chủ quan và khó phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, vẫn có thể phân biệt được nếu ba mẹ chú ý quan sát khi trẻ có những biểu hiện sau:

– Trẻ tỏ ra đau sau khi trào ngược.

– Ho, thở khò khè, giật nấc nhiều.

– Tăng cân chậm.

– Trẻ còn có thể bị nôn mửa xanh, vàng hoặc màu đỏ giống như máu. Một số trường hợp các bé bị viêm phổi, do sữa chảy vào phổi nhiều và thường xuyên. Đối với những trường hợp này, ba mẹ phải chủ động đưa con đi gặp bác sĩ ngay để được chữa trị kịp thời.

3. Mẹo giúp trẻ sơ sinh giảm trớ sữa

– Giúp bé ợ hơi sau khi bú: nên giữ em bé đứng thẳng khoảng 15-30 phút sau khi ăn. Trọng lực sẽ giúp sữa ở dưới và ít khả năng trào ngược lên. Đồng thời, dùng tay vỗ nhẹ lưng bé để giúp bé ợ hơi. Tránh để em bé nằm ngay sau bú sữa và cũng đừng nâng em bé lên và xuống quá mạnh sẽ dễ khiến em bé nôn trớ hơn.

– Chia nhỏ các cử bú: có nhiều cha mẹ sợ con bú chưa đủ no hoặc cứng nhắc theo một chế độ ăn uống nào đó nên khiến em bé bú quá nhiều, dẫn đến nôn trớ. Cách tốt nhất là chia nhỏ các lần bú ra, bú ít nhưng chất lượng. Mỗi cử bủ cách nhau 2 tiếng và mỗi lần không quá 30 phút. Nếu trong thời gian thư giãn, trẻ có vẻ đói, hãy cho bé bú thêm một ít, khoảng 40-60ml sữa là đủ.

– Mát xa bụng cho con: sau mỗi lần ít nhất nửa giờ, bạn hãy mát xa nhẹ nhàng cho con, điều này sẽ giúp kích thích máu lưu thông tốt hơn, và đẩy nhanh hoạt động tiêu hóa. Tránh mát xa mạnh ở ngay bụng con, sẽ làm phản tác dụng, khiến bé bị nôn trớ nhiều hơn.

Một số lưu ý khác:

– Không nên thường xuyên thay đổi loại sữa cho bé, không pha chế thêm vào công thức sữa hiện tại với mục đích giảm nôn trớ. Bởi vì cách này không thể ngăn ngừa nôn trớ, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

– Không thêm thức ăn khi bé chưa đủ tuổi, ví dụ như ngũ cốc với mục đích là giữ sữa nặng hơn và ở trong dạ dày của bé.

Share This
COMMENTS
Comments are closed