Triệu chứng ọc sữa và cách xử lý ọc sữa cho trẻ

Ọc sữa là triệu chứng sinh lý thường gặp ở hầu hết các bé. Nhưng để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục thì không phải ba mẹ nào cũng biết. Bài viết này sẽ giúp ba mẹ có thêm kiến thức về chứng ọc sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Tại sao trẻ dễ bị ọc sữa

Ọc sữa thường xảy ra khi bé bú quá nhiều hoặc nuốt phải nhiều khí trong khi bú, khi bé ợ hơi hoặc chảy nước dãi. Cần phân biệt ọc sữa với triệu chứng nôn ói ở trẻ. Ọc sữa thường gặp ở trẻ nhỏ và thường giảm hoặc hết khi trẻ bắt đầu ăn dặm thức ăn đặc trong giai đoạn khoảng 6 tháng đến 1 tuổi.

2. Ảnh hưởng của hiện tượng ọc sữa

Ọc sữa mặc dù có chút phiền toái, nhưng không phải là vấn đề đáng lo ngại trong những tháng đầu đời của bé. Ọc sữa hiếm khi đi kèm với ho, mắc nghẹn hay đau ốm. Tuy nhiên, ba mẹ cần lưu ý nếu bé có những biểu hiện sau đây:

– Chậm hoặc không tăng cân.

– Nôn ra một lượng lớn sữa.

– Nôn một cách dữ dội và có khi phun thành vòi rồng.

– Đi tiểu ít hơn bình thường.

– Có vẻ rất mệt mỏi hoặc hôn mê, mơ màng.

– Nôn ra dịch mật màu xanh lá hoặc màu nâu.

Ba mẹ nên lưu ý sức khỏe của những bé ọc sữa

3. Làm gì để giúp bé giảm chứng ọc sữa?

Khi cho bé bú, hãy đặt bé ở tư thế ngồi thẳng. Nếu bé bú bình, cứ 3 – 5 phút lại vuốt hoặc vỗ lưng bé một lần sau khi bú để giúp bé ợ hơi. Hãy chắc chắn rằng các lỗ ở núm vú của bình sữa không quá lớn, nếu không sữa sẽ chảy ra quá nhanh gây sặc cho con. Tránh cho bé nằm xuống hoặc đu đưa bé quá nhiều trong và ngay sau khi bú.

Một số bé sẽ ọc sữa ít hơn nếu chế độ ăn của bé được bổ sung thêm bột ngũ cốc. Hỏi bác sĩ xem bạn có thể thêm từ 2 đến 3 muỗng cà phê bột ngũ cốc cho mỗi 30 ml sữa công thức hay không. Bạn có thể sử dụng núm vú với một lỗ lớn hơn giúp cho các thành phần đặc  đi qua dễ dàng.

Đối với một số bé, có thể hạn chế tình trạng ọc sữa nếu bé được bú ít hơn trong mỗi lần bú. Tuy nhiên phải tăng số lần cho bé bú trong ngày để bé không bị đói

Trong trường hợp bé có những dấu hiệu bất thường như đã liệt kê ở trên thì hãy nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ. Đầu tiên, bác sĩ sẽ khám để chắc chắn là bé khỏe mạnh và phát triển tốt. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem bé có vấn đề về hô hấp không. Nếu bác sĩ nghĩ rằng bé khỏe thì không cần phải làm gì cả. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu tái khám bé thường xuyên.

Nếu bé được chuẩn đó là bị trào ngược dạ dày và bệnh này của bé gây ra quá nhiều vấn đề, bác sĩ có thể kê toa thuốc để điều trị. Thuốc này cũng được sử dụng cho chứng ợ nóng ở người lớn. Nếu bé vẫn tiếp tục không tăng cân hoặc xuất hiện các vấn đề khác, bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm bổ sung.

Share This
COMMENTS
Comments are closed