Nôn trớ và những cách khắc phục hiệu quả
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có xu hướng dễ bị trớ sữa trong và sau khi bú. Việc trớ nhiều hay ít tùy vào thể trạng của từng bé. Có bé thỉnh thoảng mới trớ nhưng cũng có bé trớ trong tất cả các lần ăn. Sữa trào ra miệng bé một cách dễ dàng, đôi khi có kèm theo tiếng ợ hơi.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Nôn trớ sữa ở trẻ là gì?
Trớ sữa thường xuất hiện khi cơ vòng thực quản đóng không kín. Hiện tượng này thường giảm khi bé lớn lên, và nói chung sẽ mất hoàn toàn khi bé 1 tuổi. Nhưng nếu bé đã lớn mà hiện tượng này vẫn không giảm thì mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra, vì có thể trẻ đang mắc phải một số bệnh lý nào đó như bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ, nhiễm trùng virus ở dạ dày, phản ứng với đồ ăn hay các rắc rối khác ở dạ dày và ruột, hẹp phì đại môn vị (môn vị là phần dạ dạy nối liền với tá tràng. Hẹp môn vị xuất hiện khi lớp cơ môn vị dày lên, làm lòng môn vị hẹp lại, ngăn không cho thức ăn và dịch vị trong dạ dày đi vào ruột non. Bệnh cần được xử lý bằng phẫu thuật), v.v…
2. Cách khắc phục nôn trớ ở trẻ
– Đừng để bé quá đói rồi mới cho bú, lúc đói bé sẽ bú nhanh làm nuốt một lượng hơi vào dạ dày dễ gây nôn trớ.
– Với trẻ bú bình, nên cho bé bú từ từ vì cho bú quá nhiều sẽ khiến tình trạng nôn trớ trở nên tồi tệ hơn. Mẹ cũng nên lưu ý khi chon ti bình cho bé, nên chọn loại núm vú có lỗ không lớn quá, không nhỏ quá. Lỗ lớn quá khiến sữa chảy quá nhanh, trong khi lỗ nhỏ quá khiến bé nuốt phải nhiều không khí.
– Giữ yên tĩnh khi cho bé bú, tránh chọc cười, gây sặc sữa cho con.
– Nới rộng tã bỉm để tránh tạo áp lực lên bụng của trẻ, lưu ý không chèn ép bụng của bé. Tốt nhất là cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
– Bế bé ở tư thế thẳng đứng sau mỗi lần bú, đồng thời dùng tay vỗ nhẹ lưng giúp con ợ hơi rồi mới đặt trẻ nằm xuống.
– Điều chỉnh tư thế ngủ của trẻ: nên đặt bé nằm ngửa khi ngủ bởi tư thế này làm giảm nguy cơ đột tử sơ sinh. Cha mẹ có con hay bị trớ thường lo lắng khi đặt bé ngủ ở tư thế nằm ngửa, tuy nhiên nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ngạt không hề gia tăng ở trẻ sơ sinh nằm ngửa khi ngủ.
– Cho bé uống dung dịch điện giải trong 8 tiếng sau khi ngừng nôn. Uống lượng nhỏ và thường xuyên: khoảng 5 ml (một thìa cà phê) Oresol mỗi 5 phút, tương đương 60ml/h. Nếu sau 4 giờ bé không nôn thêm, hãy tăng gấp đôi lượng Oresol mỗi giờ. Nếu lúc này bé vẫn nôn thì hãy để dạ dày được nghỉ trong 1 giờ rồi lại bắt đầu cho uống với lượng nhỏ hơn.
3. Trường hợp cần đưa bé đi cấp cứu
Nôn trớ thường là hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng cũng phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Bé dễ bị sụt cân, chậm phát triển. Ngoài ra, ba mẹ cần lưu ý khi thấy con có một biểu hiện sau đi kèm nôn trớ thì phải ngay lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra:
– Xuất hiện các tia máu đỏ trong chất nôn.
– Nghẹn hoặc ngạt thở, tím tái.
– Nôn quá nhiều và nôn thành vòi rồng.
– Ở trẻ bị nhiễm trùng do virus, nôn thường đi kèm tiêu chảy. Sự xuất hiện của dịch mật xanh trong chất nôn có thể là dấu hiệu của tắc ruột, cần được xử lý cấp cứu.
– Bé có biểu hiện mất nước như môi khô, da khô, tiểu tiện ít (thay tã dưới 6 lần mỗi ngày), mắt trũng, thóp trũng.
Mong rằng với những chia sẻ này, ba mẹ sẽ có thêm kinh nghiệm trong cách chăm sóc con, nhất là với những bé thường xuyên bị nôn trớ. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm tại đây những thông tin khác cũng hữu ích không kém về hiện tượng nôn trớ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.