Cách làm cơm trộn tại nhà ngon cho bé
Cơm trộn là món ăn nổi tiếng của xứ sở kim chi, được rất nhiều người Việt yêu thích bởi sự ngon miệng, dễ ăn, kết hợp nhiều thực phẩm trong món ăn không tạo cảm giác ngán.
Bạn hoàn toàn có thể chế biến các món cơm trộn cho bé và cả gia đình thưởng thức tại nhà một cách dễ dàng theo những hướng dẫn bên dưới.
Cơm cá hồi tầng
Nguyên liệu:
– Nạc cá hồi: 50g
– Bông cải xanh: 20g
– Cơm nát: 100g
– Nước tương: 10ml
Thực hiện:
Cá và bông cải luộc mềm, cắt nhỏ, để riêng hai thứ. Bông cải nêm chút nước tương.
Chia cơm nát làm hai phần, một phần trộn cá, một phần trộn bông cải.
Hai phần cho vào hai khuôn tròn 10 cm, nén xuống dày khoảng 2-3cm, lấy ra từ từ, xếp chồng lên đĩa.
Dinh dưỡng:
Cá hồi đã được biết đến là một trong những thực phẩm dồi dào axít béo omega-3. Bên cạnh những lợi ích to lớn mà các loại chất béo này mang lại, các chuyên gia cho biết, cá hồi còn chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu khác có thế giúp tăng cường sức khỏe toàn diện của cơ thể.
Một khẩu phần 120g cá hồi hấp chứa 168 calo và chỉ có 4g chất béo omega-3. Trong cá hồi không có carbonhydrat và là nguồn giàu protein (120g cá hồi có 28g protein). Ngoài ra, cá hồi còn là nguồn phong phú các dưỡng chất thiết yếu, như tryptophan, vitamin D, selen, vitamin B3, B6, B12, phốt-pho và ma-giê.
Cá hồi và bông cải xanh đều có những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, vì vậy cho trẻ ăn dặm với cơm cá hồi giúp trẻ phát triển toàn diện và không gây biếng ăn.
Cơm gà
Nguyên liệu:
– Nạc gà bằm: 100g
– Trứng: 1 cái
– Bắp cải xanh: 1 lá nhỏ
– Nước dùng: 150ml
– Nước tương: 5ml
– Cơm nát: 100g
Thực hiện:
Bắp cải cắt góc nhỏ, nấu mềm trong nước dùng, nêm gia vị và nước tương vào vừa ăn.
Cho thịt gà vào nồi bắp cải, gà vừa đổi màu cho trứng đánh tan vào. Trứng vừa đặc lại, tắt lửa, đậy nắp trong 1-2 phút.
Múc ra chén để nguội, cho trẻ ăn với cơm nát.
Dinh dưỡng:
Bắp cải được đánh giá là loại rau của thế giới dinh dưỡng vì nó tương đối rẻ so với những loại rau khác nhưng nó lại có nhiều sinh tố bảo vệ sức khỏe con người. Ngoài ra, bắp cải rất giàu các vitamin có lợi cho sức khỏe như:
– Vitamin A: chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ làn da và đôi mắt của bạn.
– Vitamin C: một chất chống oxy hóa quan trọng và giúp cơ thể đốt cháy chất béo.
– Vitamin E: một chất béo hòa tan chống oxy hóa đóng vai trò làm đẹp và chống viêm nhiễm cho làn da.
– Vitamin B: giúp tạo hưng phấn cho toàn bộ hệ thần kinh và tăng cường trao đổi chất trong cơ thể.
Khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng những lợi ích sức khỏe và giá trị chữa bệnh của bắp cải không chỉ dừng lại tại đó, ngược lại nó còn đóng một vai trò rất quan trọng trong sự ức chế các bệnh nhiễm trùng và loét. Nguyên nhân là do những chất chiết xuất từ bắp cải được chứng minh giúp tiêu diệt một số virus và vi khuẩn, từ đó giúp tăng khả năng miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể nhiều hơn nữa. Bắp cải cũng chứa nhiều sắt, lưu huỳnh, khoáng sản giúp làm sạch hệ thống tiêu hóa.
Lưu ý khi chế biến bắp cải: Trong khi nấu ăn, cần cố gắng thực hiện thời gian nấu ở mức tối thiểu. Bởi vì nếu để nhiệt độ quá cao sẽ phá hủy các vitamin B, vitamin C, can-xi, sắt, phốt-pho và ma-giê có trong bắp cải.