Có nên cho con bú lại ngay sau khi bị ọc sữa không?
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ọc sữa ở trẻ sơ sinh, nhưng thông thường, hiện tượng này không nghiêm trọng hay quá nguy hiểm. Điều bạn cần làm là phải bình tĩnh để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp nhất cho con.
Sau đây là những gì cha mẹ cần biết: Nguyên nhân gây nôn trớ và cách điều trị sau đó như thế nào?
Các yếu tố có thể là nguyên nhân khiến cho con bị trớ sữa
1. Nhiễm trùng do vi khuẩn và virut truyền nhiễm
Bệnh viêm dạ dày hoặc các bệnh về đường tiêu hóa khác là một trong những nguyên nhân chính gây nôn trớ ở trẻ sơ sinh. Nếu vi khuẩn phát triển trên bề mặt ruột non hoặc dạ dày của trẻ, ngoài việc ói mửa ra, trẻ còn có thể bị tiêu chảy, biếng ăn, đau bụng và sốt.
Trong trường hợp này, triệu chứng nôn thường kéo dài từ 12 đến 24 giờ.
2. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
Bất kỳ sự nhiễm trùng (viêm) nào liên quan đến đường hô hấp như: viêm tai giữa, viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi … đặc biệt có triệu chứng ho thì đều có thể gây ra tình trạng ọc sữa ở trẻ sơ sinh.
Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm ruột thừa, viêm màng não, … là những bệnh lý không liên quan đến đường hô hấp cũng có thể là lý do khiến con cảm giác buồn nôn, mặc dù hiếm gặp hơn.
3. Bị say tàu hoặc say xe
Ngồi trên tàu, đi thuyền buồm hay ngồi xe trong thời gian dài cũng làm cho trẻ dễ say, từ đó gây ra tình trạng mệt mỏi và ọc sữa, nôn trớ.
Để khắc phục, hãy cho con bạn ngồi gần cửa sổ để trẻ có thể ngắm phong cảnh xung quanh, nhằm phân tán sự chú ý và giảm cảm giác buồn nôn, đồng thời chỉ nên đưa con đến những địa điểm có thời gian phải ngồi xe ngắn mà thôi.
4. Ngộ độc thực phẩm hoặc nuốt phải dị vật
Nôn mửa là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi nuốt phải vật lạ hoặc bị ngộ độc thực phẩm. Việc nôn mửa sẽ giúp cơ thể loại bỏ những độc tố này ra ngoài.
Trong bé gặp phải trường hợp này, biện pháp tốt nhất mà cha mẹ có thể làm là nhờ đến sự can thiệp y tế.
Có nên cho con bú lại sau khi bị nôn trớ không?
Khi con bị ọc sữa, hầu như bé không nhận được bất cứ dưỡng chất bổ sung nào. Nhiều bà mẹ vì quá lo lắng mà đã cố ép bé bú thêm với hy vọng rằng có thể bù lại một số chất dinh dưỡng cho cơ thể con.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi bé bị ọc sữa, điều đầu tiên mà mẹ nên làm là lau sạch khoang miệng và cho trẻ uống thêm một chút nước mà thôi. Trong một số trường hợp, người mẹ còn cần phải hút sữa từ mũi bé ra ngoài để đề phòng sữa xâm nhập vào phổi và gây viêm phổi.
Ngoài ra, mẹ nên chú ý để con nghỉ ngơi đầy đủ, bởi vì sau khi nôn trớ, trẻ em rất mệt mỏi và hệ tiêu hóa cũng yếu đi. Nếu bạn ép con bú sữa thì sẽ có nguy cơ khiến bé càng thêm sợ hãi. Thời điểm thích hợp để các bà mẹ cho con bú lại là sau đó từ 30 phút – 1 giờ.
Khi nôn trớ, có nên cho bé dùng thuốc?
Trừ khi được bác sĩ cho phép, trẻ sơ sinh và thậm chí trẻ lớn hơn đều không nên dùng bất cứ loại thuốc nào. Vì trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại thuốc chống nôn không kê toa có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh của bé.
Nếu bé đã trên 3 tuổi, các loại trà như trà gừng và trà bạc hà cũng có thể làm giảm triệu chứng nôn trớ cho con khá hiệu quả.