Nguyên nhân khiến trẻ bú ít hoặc sợ bú
Giai đoạn sơ sinh, thức ăn chính của bé là sữa. Nhưng gần đây con bú ít hơn trước, khiến ba mẹ lo lắng muốn tìm ra nguyên nhân. Dưới đây sẽ là một số lý do khiến trẻ bú ít đi. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Bé đang mắc phải bệnh lý nào đó
Trẻ đang bú ngoan, bú nhiều, bỗng một ngày chán sữa và bú ít đi, mẹ nên kiểm tra xem cơ thể con có dấu hiệu nào bất thường không. Nhiệt miệng, đau họng, viêm tai, ngạt mũi, có đàm, thân nhiệt cao… cũng là những nguyên do khiến trẻ bú ít đi. Khi bé bị bệnh, sẽ thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và quấy khóc, gắt gỏng khi bú. Trong trường hợp này, mẹ cần nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ, vì nếu để tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ.
2. Mẹ ít cho bé bú
Ba mẹ thường xuyên bận rộn, không có nhiều thời gian ở gần cho bé bú. Tạo khoảng cách giữa mẹ và bé nên khi có cơ hội gần gũi, việc mẹ cho con bú tưởng chừng đơn giản hóa ra lại thành khó khăn khi bé bú quấy khóc và không chịu bú như bình thường. Muốn khắc phục tình trạng này, ba mẹ nên dành thời gian cho bé nhiều hơn và dỗ dành bé lại bằng cách đưa ti vào miệng con thường xuyên hơn, nhất là trong lúc bé ngủ.
3. Bé dị ứng với sữa đang dùng
Sữa công thức mẹ đang dùng cho trẻ có thể không phù hợp với bé, nên khiến bé bú ít hoặc thậm chí là từ bỏ các cử bú. Trong trường hợp này, mẹ nên tìm loại sữa khác thay thế cho con và thử sữa mới cho con ít nhất 2 tuần để cơ thể bé quen dần.
4. Ọc sữa ở trẻ nhỏ
Một nguyên nhân phổ biến khác là do bé thường xuyên bị ọc sữa khiến bé sợ bú. Tình trạng ọc sữa xảy ra thường là do sinh lý bình thường, dạ dày con chưa phát triển hoàn thiện để thực hiện đúng chức năng. Ngoài ra, trẻ bị ọc sữa còn xuất phát từ cách chăm sóc của mẹ. Tư thế bú của con không đúng và hầu như mẹ nào cũng để cho trẻ nằm bú vì nghĩ đó là cách tốt nhất. Nhưng thực tế dạ dày con khi còn nhỏ như 1 đường thằng, việc mẹ để bé nằm bú khiến cơ thể con như 1 bình sữa nằm ngang và sẵn sàng ọc ra bất cứ lúc nào.
Sau khi cho con bú xong, đùa giỡn hoặc tưng bế bé trên đùi cũng khiến trẻ bị ọc sữa. Vì thế, để khắc phục tình trạng này, mẹ phải bế con đúng tư thế khi bú và sau khi bú không nên bồng bế tác động mạnh lên bé mà chỉ cần ẳm bé đứng chựng chừng 15 – 20 phút, dùng tay vỗ nhẹ vào lưng con giúp con ợ hơi để tống lượng khí mà con vô tình nuốt vào trong lúc bú. Khi đặt bé nằm ngủ nên kê cao đầu khoảng 30 độ để tránh ọc sữa trong lúc ngủ. Ọc sữa khi bé đang nằm có thể khiến sữa đi vào phổi rất nguy hiểm.
Một số trường hợp ọc sữa kèm theo những biểu hiện bất thường khác, bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức.