CÁCH VẮT SỮA MẸ VÀ HƯỚNG DẪN BẢO QUẢN
Nhiều bà mẹ trẻ muốn nuôi con bằng sữa mẹ nhưng không có điều kiện trực tiếp cho con bú (mẹ phải đi làm sớm, đầu vú bị khiếm khuyết…) thì người mẹ nên vắt sữa ra nếu không bầu vú sẽ căng tức và rất có thể sẽ bị viêm tuyến vú hoặc sữa sẽ không tiết ra nữa dẫn đến cạn sữa.
Vì thế cách vắt sữa đúng rất quan trọng đối với bà mẹ.
Nói đến vắt sữa có thể các bà mẹ coi đó là việc làm đơn giản, chỉ lấy tay vắt ra là xong. Tuy nhiên nếu vắt sữa bằng tay không đúng phương pháp, việc vắt trở nên khó nhọc, lượng sữa vắt được ít và có thể làm tổn thương bầu vú. Ngoải ra, nếu bảo quản không tốt, lượng sữa được vắt ra sẽ bị ảnh hưởng về chất lượng dinh dưỡng, thậm chí sinh hư, gây nguy hiểm cho bé khi sử dụng.
Những nguyên tắc khi vắt sữa mẹ
Dưới đây là các nguyên tắc đơn giản nhưng lại rất quan trọng, các mẹ khi vắt sữa cần lưu ý:
1 – Dùng tay ép vào bên cạnh bầu vú
Vì sữa nằm trong tuyến truyển sữa, vị trí bề mặt của da chính là tuyến truyền sữa, vì thế phương pháp vắt sữa chính xác là dùng ngón tay cái và ngón trỏ ép vào cạnh bầu vú và luôn thay đổi góc độ, sữa sẽ chảy ra. Thông thường nếu thông tuyến sữa thì khi vắt sẽ không gây đau cho mẹ.
2 – Dùng ngón tay cố định vào một vị trí
Dùng ngón tay cố định vào một vị trí của cạnh vú, ép mạnh nhưng không nên day mạnh vùng da xung quanh núm vú gây khó chịu và hiệu quả không tốt.
3 – Không được bóp đầu vú
Đầu vú chỉ là nơi sữa chảy ra chứ không phải là nơi chứa sữa, bóp đầu vú chẳng những không ra sữa mà còn làm tổn thương đầu vú.
Bình thường mỗi ngày trẻ bú khoảng 7 – 8 lần, có nghĩa cứ cách từ 3 – 4 tiếng lại bú một lần, vì thế bà mẹ dựa vào thời gian trẻ bú, khoảng 3 tiếng lại vắt sữa 1 lần. Nguyên tắc vắt là chỉ khi nào thấy dễ chịu, bầu vú không còn căng tức nữa thì dừng.
Khi trẻ đang bú, người mẹ có thể sờ tay xung quanh bầu vú xem có chỗ nào còn căng cứng không, nếu có chứng tỏ chỗ đó sữa chưa được chuyển đi, dùng tay ấn nhẹ vào chỗ đó để sữa chảy ra.
Hiện nay trên thị trường có bán dụng cụ hút sữa, các bà mẹ có thể mua sử dụng để tiết kiệm thời gian và sức lực.
Sữa mẹ vắt ra bảo quản như thế nào?
Nhiều bà mẹ nhiều sữa nên bé bú không hết thường vắt bỏ. Bạn không nên bỏ phí lượng sữa đó mà hãy tích trữ cho bé dùng sau này. Bạn có thể trữ sữa vào bình thủy tinh, bình nhựa có nắp kín, nhưng nên nhớ đừng đổ đầy bình vì khi gặp lạnh sữa sẽ dãn nở, ngoài ra trên bình sữa cần ghi rõ thời gian, ngày tháng vắt sữa để tiện cho việc sử dụng. Bạn cũng nên chia sữa vừa đủ cho mỗi lần bé ăn.
Khi bảo quản sữa, cần chú ý mấy điểm sau đây:
1 – Sữa vắt ra nhiệt độ trong phòng dưới 25°C bảo quản từ 6 – 8 tiếng là an toàn.
2 – Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thì tối đa được 5 – 8 ngày.
3 – Nếu để trong tủ lạnh có ngăn chứa riêng có thể để được 3 tháng.
4 – Nếu có tủ lạnh đặc chủng, có thể để từ 6 -12 tháng.
Ngoài ra việc bà bầu nên uống sữa gì cũng là một điều cần lưu tâm cho các mẹ muốn có đủ lượng sữa cho con.
Sữa trong tủ lạnh đã rã đông có thể hâm nóng cách thủy (nhiệt độ không quá 60°C) hoặc ngâm trong nước nóng, tuyệt đối không sử dùng lò vi sóng để làm nóng sữa.