Dạy trẻ cần linh hoạt giữa các khuôn mẫu khác nhau
Bao giờ cũng áp dụng một khuôn mẫu cứng nhắc chính là yếu tố cản trở đa số các bậc cha mẹ thực hiện những thay đổi lớn. Nhiều ông bố bà mẹ chỉ biết một hoặc hai phương thức giao tiếp với con cái. “Nói chuyện nhẹ nhàng” hoặc “đe dọa” là hai phương pháp truyền thống. Nếu một trong hai cách hết hiệu nghiệm, họ chỉ còn cách bó tay, không biết làm gì hơn nữa.
Một số người thiếu linh hoạt đến nỗi họ cứ “bổn cũ soạn lại” một cách thức dạy con duy nhất. Ví dụ, một số ông bố bà mẹ bao giờ cũng tỏ ra xuề xòa dễ dãi và chiều chuộng con hết mức vì sợ rằng, nếu cứng rắn nghiêm khắc với chúng một chút thì hòa khí trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Những người này, dĩ nhiên, thường bị con cái lấn át và không có tiếng nói quyết định trong nhà. Có một câu thành ngữ về việc này, rằng chiều con không đúng cách chỉ khiến bọn trẻ “được đằng chân lân đằng đầu” và “được nước leo lên đầu lên cổ cha mẹ” hay quay lại điều khiển cha mẹ.
Lại có những người trái ngược hẳn với những bậc cha mẹ nói trên, họ lúc nào cũng cứng rắn và xét nét con cái. Họ tin rằng nếu họ mềm lòng, “bầy tiểu quỷ” sẽ được đà lấn lướt, sẽ không tôn trọng “trưởng bối” và họ khó mà “cầm cương” được chúng. Kết quả thì sao? Nhiều đứa trẻ đâm ra sợ bố mẹ không dám ho he điều gì và thường giấu giếm họ mọi việc lớn nhỏ. Đến tuổi vị thành niên, hoặc chúng quay ngoắt 180 độ trở nên bất trị thậm chí có khuynh hướng nổi loạn, hoặc chúng trở thành những kẻ yếm thế run sợ trước mọi người và mọi việc, không dám có ý kiến riêng và không tin vào bản thân mình. Vậy thì dạy con như thế nào mới là đúng đắn? Cái gì cũng gật đầu hay luôn làm mặt khó đăm đăm? Dễ chấp nhận hay đòi hỏi cao?
Phương pháp hay nhất là không bám chặt vào một phương pháp cụ thể nào, hãy linh hoạt, cực kỳ linh hoạt và tùy cơ ứng biến, tức là tùy thuộc vào đối tượng tiếp nhận, nên tôi không thể nói chắc với bạn là phải luôn mềm mỏng hay luôn áp dụng kỷ luật sắt. Qua nhiều năm tiếp xúc, tôi thấy rằng những người thành công trong vai trò cha mẹ hay giáo viên là những người biết yêu thương, quan tâm và thoải mái trong các mối quan hệ với trẻ. Nhưng đồng thời, họ cũng có thể trở nên rất cứng rắn và nghiêm khắc khi con trẻ vượt quá giới hạn.
Bí quyết là ở chỗ, bạn hãy làm sao cho việc bạn sắp làm không “lồ lộ giữa ban ngày” để đứa trẻ không thể lường trước được. Ngay lúc bạn tỏ ra cứng nhắc và dễ đoán, đứa nhỏ sẽ là người nắm quyền điều khiển chứ không phải bạn. Tôi phát hiện ra lý do chính giải thích tại sao nhiều đứa trẻ (đặc biệt là trẻ nhỏ) rất giỏi “quay bố mẹ như quay dế”. Đó là vì ở chúng, độ linh hoạt và tính ứng biến cao gấp nhiều lần so với phụ huynh. Chúng có thể liên tục thay đổi chiêu thức cho đến khi có được điều chúng muốn. Là cha mẹ, bạn cũng cần phải nghĩ ra nhiều chiến thuật để quản lý con cái.