Giải đáp những vấn đề nôn trớ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Nôn trớ là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dù đây là những triệu chứng sinh lý hết sức bình thường nhưng với những người lần đầu làm cha mẹ thì lại vô cùng lo lắng và luôn đặt ra nhiều câu hỏi.
Bài viết này sẽ giúp giải đáp một số thắc mắc chung mà nhiều phụ huynh chắc hẳn sẽ quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Triệu chứng nôn trớ sữa lên mũi
Hỏi: Con tôi đã được 8 tháng tuổi. Bắt đầu được 3 tháng tuổi cháu đã bắt đầu ăn và bú sữa rất hay bị nôn trớ, nhất là nôn trớ sữa lên mũi khiến cháu rất hay bị ngạt mũi, tiếng thở khò khè. Dạo này cháu còn biếng ăn nữa, xin các chuyên gia hãy giải đáp giúp tôi vấn đề này.
Trả lời:
Trẻ bị trớ ngay sau khi ăn hoặc bú vào có thể do hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, bé hay bị ho kéo dài, có thể chế độ dinh dưỡng của bé chưa được ba mẹ trú trọng. Có một vài cách khắc phục như sau:
– Không nên ép trẻ ăn hoặc bú khi trẻ đã no. Nên chia những lần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết. Thời gian tối thiểu giữa hai lần bú là 2 tiếng, tối đa là 4 – 5 tiếng tùy vào thể trạng của từng bé. Ăn nhiều bữa, mỗi bữa ăn ít cũng là phương pháp chống nôn trớ hiệu quả. Khi cho trẻ bú, mẹ cũng nên lưu ý không nên cho bé bú quá lâu, tối đa là 30 phút vì bú lâu bé sẽ mệt. Mẹ nên tập cho trẻ biết ăn hoa quả để cung cấp vitamin và khoáng chất. Có thể xay các loại hoa quả ngọt như na, nhãn, xoài, chuối… trộn vào sữa chua cho trẻ ăn. Ngoài ra, nếu tình trạng nôn trớ kéo dài, ba mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về những loại thuốc chống nôn trớ hoặc đến trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân.
2. Khi bé đã sử dụng thuốc chống nôn mà vẫn bị nôn trớ
Hỏi: Bé trai nhà tôi đã 8 tháng tuổi rồi nhưng chỉ nặng 7,5kg. Bé ăn rất ít, mỗi lần uống sữa chỉ được 60ml mà đôi lúc còn nôn trớ ra hết, sữa bị lên cả mũi. Tôi đã đưa đi bác sĩ nhi nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ có cho uống thuốc chống nôn trước khi ăn nhưng vẫn không có kết quả tốt. Mong chuyên gia tư vấn giúp tôi nên làm thế nào để tình hình của con tôi được cải thiện.
Trả lời:
Bé hiện có cân nặng khá thấp so với chuẩn vì bé 8 tháng tuổi với bé trai trung bình sẽ nặng 8,6kg, cao 70,6cm. Như vậy, việc nôn trớ, ăn uống khó khăn đã khiến bé chậm tăng cân so với tuổi. Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này, hơn nữa mặc dù được dùng thuốc theo đơn nhưng bệnh chưa thuyên giảm, biện pháp tốt nhất là bạn nên đưa bé khám lại bác sĩ để tìm nguyên nhân sâu hơn và chỉ định hướng điều trị tiếp theo.
Việc bổ sung không đầy đủ, cân đối và phù hợp chất dinh dưỡng với lứa tuổi (ăn dặm quá sớm, ăn nhiều, ăn nhanh…) là một trong những nguyên nhân gây nôn trớ. Song song với việc điều trị theo đơn bạn nên điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp với lứa tuổi. Bạn lưu ý trong thời gian này nên thay đổi da dạng món ăn cho bé, không nên cho bé ăn nhanh, ăn nhiều một bữa, không nên ép bé ăn, các bữa ăn của bé nên tập trung, thời gian ăn không kéo dài quá 30 phút. Ăn lâu quá cũng sẽ làm cho bé mệt mỏi, cảm giác chán ăn, khóc, quấy phá…
3. Lời khuyên dành cho mẹ bỉm sữa
Các bà mẹ cần lưu ý không nên cho trẻ bú không quá no, mình chịu khó cho bú nhiều lần hơn một chút. Bé bú xong bạn có thể ẵm bé dựa vào lưng mẹ cho bé ợ hơi, nhớ lót khăn để chống trẻ nôn trớ bất ngờ.
Sau khi bé bị trớ, bạn đút ít nước tráng miệng cho bé, một vài thìa nhỏ thôi là được. Trường hợp bé ói nhiều, nhớ vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý. Như vậy sẽ bảo vệ được hệ hô hấp của bé được sạch sẽ.
Trong trường hợp bé nôn trớ nhiều hay đưa bé đến gặp bác sĩ ngay.