GIẢI PHÁP ĐỂ TRẺ KHÔNG BAO GIỜ BIẾNG ĂN
Hiện nay tình trạng biếng ăn ở trẻ rất phổ biến khiến cha mẹ lo lắng hoang mang. Hơn nữa việc điều trị chứng biếng ăn cũng mất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Để tập trẻ có thói quen ăn uống tốt và phòng ngừa biếng ăn, người chăm sóc nên:
1. Khi thiết kế thực đơn ăn dặm cho bé 4-6 tháng ngay từ đầu nên tập cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm. Vì lúc này vị giác chưa phát triển, trẻ dễ dàng tiếp nhận các loại thức ăn và mùi vị khác nhau. Trẻ sẽ có thói quen ăn được nhiều loại thức ăn khi chúng lớn lên.
2. Không bao giờ cho thuốc vào thức ăn như sữa, nước trái cây hoặc nhét vào quả chuối để “đánh lừa”. Như vậy sẽ làm trẻ sợ và luôn cảnh giác với thức ăn.
3. Không cần thiết phải bắt trẻ tuân thủ quá kỹ từng bữa ăn, từng muỗng bột, vài chục ml sữa mà hãy thoải mái hơn. Có lúc trẻ sẽ ăn ít hơn một chút rồi sau đó sẽ ăn bù, cha mẹ chỉ cần nhớ:
– Tổng lượng thức ăn trong ngày quan trọng hơn lượng thực phẩm mỗi bữa.
– Có ngày trẻ ăn ít hơn một chút cũng là bình thường. Trong khoa học ăn uống, sự thường xuyên lặp lại quan trọng hơn là từng ngày riêng biệt.
– Điều quan trọng nhất là theo dõi tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ lên cân đều, phù hợp với độ tuổi chứng tỏ là trẻ ăn đủ. Những vấn đề khác không đáng lo.
4. Làm cho trẻ thích thú bằng các câu chuyện ngộ nghĩnh về thức ăn, màu sắc xanh đỏ bắt mắt của rau củ. Thức ăn có mùi vị hấp dẫn và việc thay đổi cách nấu bột cho trẻ giúp trẻ thích ăn hơn.
5. Đừng quá cứng nhắc, khuôn khổ như ép trẻ phải ngồi vào ghế ăn, khăn yếm quá chỉnh tề. Hãy cho trẻ ngồi thoải mái noi ưa thích. Để trẻ tự xúc cùng mẹ dù còn vụng về, đổ tháo, dần dần trẻ sẽ khéo léo hơn. Nhiều khi trẻ thích bốc thức ăn, như vậy thú vị hơn ngồi chờ mẹ đút. Chén đĩa, ly tách, muỗng có hình ảnh ngộ nghĩnh làm cho bữa ăn của trẻ thật sự là một cuộc vui. Tuổi này trẻ không những chỉ ăn mà còn khám phá cả thế giới. Đôi khi một bạn hàng xóm sang nhà ăn chung thì cuộc đua lại càng háo hức.
6. Lớn lên một chút, trẻ còn thích được hỏi muốn ăn gì? Cá, thịt hay trứng? Rau xanh hay bí đỏ, bí xanh? Thích ăn chiên hay luộc? Thích ăn trái cây gì? Cha mẹ có thể cho trẻ chọn mua thức ăn cùng và phụ nhặt rau, rửa trái cây… Chắc chắn các món ăn có sự tham gia của trẻ sẽ làm chúng cảm thấy ngon hơn.
7. Không dùng thức ăn vào các mục đích khác như trừng phạt hay khen thưởng, lâu ngày sẽ dẫn đến rối loạn hành vi ăn uống, về sau, trẻ dễ có khuynh hướng dùng việc ăn uống để phản đối hay gây sức ép lại cha mẹ khi chúng gặp khó khăn.
8. Không cho trẻ ăn quà vặt trong vòng 1,5 đến 2 giờ trước bữa chính vì sẽ làm trẻ ngang dạ khi vào bữa.
9. Có những giai đoạn trẻ ham thích và ăn liên tục một loại thực phẩm nào đó như trứng, cá, chuối hay nho trong cả ngày hoặc nhiều ngày. Hãy để trẻ ăn thỏa thích. Trẻ sẽ trở lại ăn uống bình thường sau vài ngày hoặc vài tuần. Điều quan trọng là cha mẹ đừng quá lo lắng.
10. Không mớm thức ăn cho trẻ bằng cách cha mẹ ngậm hoặc nhai thức ăn rồi “lè ra” cho con ăn, như vậy vừa “không hợp vệ sinh” vừa “mất hết chất dinh dưỡng”, trẻ không còn “cảm” được hương vị ban đầu của thức ăn, không còn cảm thấy ngon miệng khi ăn nữa, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn. Hãy để trẻ tự cảm nhận thức ăn, thích thú với mỗi món ăn.
11. Cỏ những thời kỳ trẻ biếng ăn sinh lý. Giai đoạn này thường trùng lặp với thời gian trẻ học thêm các kỹ năng mới như biết ngồi, tập đi, học nói… Các thời điểm biếng ăn sinh lý thường gặp ở trẻ từ 7-9 tháng tuổi, 2-3 tuổi, 5-6 tuổi… Trong vài tuần, trẻ ăn ít hơn nhưng vẫn chơi vui vẻ, đó là vì trẻ bận lo học nên quên ăn. Cha mẹ đừng lo lắng mà ép ăn sẽ khiến trẻ rơi vào tình trạng biếng ăn thực sự.
Chắc hẳn bây giờ các mẹ đã biết cách đối phó với chứng biếng ăn của trẻ rồi phải không nào. Chúc các bé mau ăn chóng lớn