Những bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu nên khó tránh khỏi bệnh tật xâm nhập. Dưới đây là một số bệnh mà trẻ thường dễ mắc phải. Các bậc cha mẹ nên tham khảo để biết cách phòng tránh cho con nhé!
1. Chứng ọc sữa ở trẻ
Tình trạng ọc sữa hay xảy ra ở trẻ sơ sinh, đó là tình trạng thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản và đôi khi trào ra miệng của trẻ. Trẻ bị ọc sữa có thể do sinh lý, cũng có thể do bệnh lý gây ra.
Với những trẻ ọc sữa do sinh lý, mẹ chỉ cần lưu ý các điều sau là có thể giúp trẻ hết ọc sữa:
+ Luôn giữ bình sữa hơi nghiêng, để đầu núm vú cao su luôn đầy sữa. Không để bình sữa nằm ngang trong khi bú, tránh tình trạng trẻ bú hơi trong bình sữa, gây ọc.
+ Khi cho bú, không nên để trẻ quấy khóc vì như vậy, trẻ có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày. Sau khi bú xong, bé cần được vỗ lưng để ợ hơi. Sau đó, hãy nhẹ nhàng đặt trẻ nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao.
+ Nên cho trẻ bú chậm và chia làm nhiều lần trong ngày nhằm tránh làm căng dạ dày trẻ quá mức, có thể cho trẻ dùng thêm các loại sữa đặc để khi vào dạ dày thì sẽ tránh được việc trào ngược.
+ Khi trẻ đang ọc sữa nên nâng đầu của bé lên cao, để chất dịch sẽ vào phế quản sẽ nguy hiểm, lấy khăn sạch vệ sinh khoang miệng cho bé để giúp con lấy lại vị giác. Cho bé nghỉ ngơi từ 30 phút – 1 tiếng rồi mới cho bé bú lại.
2. Chứng nấc cụt ở trẻ
Nấc là một hiện tượng sinh lý bình thường. Nguyên nhân phổ biến của hiện tượng này là do co thắt không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành, làm cho khí hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng kín lại. Nấc thường kéo dài vài phút và có thể vài lần trong một ngày. Hiện tượng nấc là do thần kinh phế vị được hình thành từ trong bào thai để chuẩn bị vận hành các cơ hô hấp cho việc thở ngay sau khi trẻ được sinh ra.
Để giảm nấc, không nên để cho trẻ quá đói rồi mới cho bú và cũng không nên cho trẻ bú quá no, khi cho trẻ bú bằng bình cần chú ý không để trẻ bú quá nhanh làm dạ dày giãn nhiều hơi. Sau khi bú nên bế trẻ đầu cao khoảng 10 phút.
Xử trí cắt cơn nấc bằng cách cho trẻ uống một vài thìa nước hay bú sữa, bế trẻ đứng thẳng đỡ đầu và lưng trẻ, để cằm bé tỳ vào vai của mẹ sau đó vuốt lưng hoặc vỗ nhẹ để bé ợ hơi, cũng có thể dùng ngón tay ấn cùng lúc vào 2 nắp tai trẻ vài phút. Ngoài ra, cũng có thể gãi nhẹ vào môi của trẻ hay vào vành tai trẻ bởi vì thần kinh tai và miệng của trẻ rất nhạy cảm khi gãi và khi trẻ khóc, thần kinh thực quản giãn ra, triệu chứng nấc sẽ biến mất.
3. Trẻ bị táo bón
Táo bón là hiện tượng trẻ sơ sinh đi tiêu với số lần ít hơn so với bình thường (trung bình mỗi ngày trẻ đi tiêu ít nhất 1 lần trở lên, phân vàng hoặc xanh rêu lợt mềm, đóng thành khuôn). Một số dấu hiệu dưới đây cảnh báo tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh: 3 ngày hoặc có khi cả tuần, trẻ mới đi tiêu một lần. Tình trạng này kéo dài hai tuần liên tục hoặc hơn. Đi tiêu ra phân cứng, đóng thành từng cục nhỏ, trẻ quấy khóc và rất vất vả mới đi tiêu được.
Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên mát xa cho bé, chọn lúc trẻ thoải mái nhất, không bị no hay đói quá để tiến hành. Trước tiên, các bà mẹ nên làm ấm bàn tay rồi nhẹ nhàng xoa lên – xoa xuống hai bên sườn cho trẻ. Tiếp đến, xoa thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ trên bụng trẻ và ngược lại. Nắn nhẹ chân trẻ, giúp trẻ co đầu gối, ép nhẹ đầu gối lên bụng trẻ rồi lại duỗi chân ra. Có thể thực hiện 2 lần một ngày, mỗi lần khoảng 5 phút.
4. Trẻ bị tiêu chảy
Chứng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh do nhiều nguyên nhân, có thể do trẻ rối loạn tiêu hóa hoặc nhiễm khuẩn đường ruột, kém hấp thu dưỡng chất, bị dị ứng với sữa hoặc bà mẹ sử dụng quá nhiều thức ăn hoặc thuốc có tính chất nhuận tràng trong giai đoạn cho trẻ bú. Biểu hiện khi trẻ bị bị tiêu chảy bao gồm: đi ngoài nhiều lần liên tục, bú kém, khóc nhiều do đau bụng… Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh tiêu chảy ở trẻ sẽ diễn biến rất nhanh. Đặc biệt là tình trạng mất nước sẽ dẫn đến suy thận, suy hô hấp và trẻ có thể tử vong.
Khi bị tiêu chảy cơ thể bé sẽ mất 1 lượng nước rất lớn, nên cần được bổ sung các chất điện giải. Ngoài ra, nếu tình trạng tiêu chảy khá nhiều như tiêu chảy cấp, ba mẹ nên đưa con đến bệnh viện để kịp thời điều trị, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra ở bé.
Mong rằng với những chia sẻ trên, các bậc phụ uhuynh sẽ hiểu thêm về các bệnh lý thường gặp ở trẻ. Ngoài ra, ba mẹ có thể tham khảo thêm tại đây để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh lý trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây cũng là một trong những bệnh lý cần được phát hiện sớm để chữa trị kịp thời để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe của con. Bệnh lý trào ngược có những biểu hiện khá giống nôn trớ, ọc sữa nên không thể chỉ qua đánh giá sơ bộ là có thể phát hiện được.
Hãy dành ra ít phút vì sức khỏe của bé nhé!