Những điều cần biết để xử lý nôn trớ cho con

Nôn trớ là hiện tượng các chất trong dạ dày của trẻ bị đẩy ra ngoài miệng, việc này do sự co bóp của dạ dày và sự co thắt của các cơ thành bụng. Nôn trớ khiến trẻ mệt mỏi, sợ hãi và khóc nhiều hơn.

Bài viết sau đây sẽ giúp ba mẹ có thêm thông tin về triệu chứng nôn trớ ở trẻ nhỏ. Liệu nôn trớ có đáng lo ngại.

1. Thế nào là nôn trớ bình thường?

Hầu hết trẻ sơ sinh đều nôn trớ trong 2 – 3 tháng đầu đời, do lúc này dạ dày của trẻ còn nằm ngang và cơ thắt tâm vị còn yếu. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân sinh lý làm gia tăng tình trạng nôn trớ ở trẻ như:

– Trẻ vừa bú no, mẹ đã vội đặt trẻ nằm ngay sau khi bú.

– Mẹ cho con bú không đúng tư thế.

– Mẹ quấn tã cho trẻ quá chặt gây sức ép lên dạ dày.

– Mẹ rơ lưỡi cho trẻ quá sâu cũng khiến trẻ nôn trớ.

2. Nôn trớ bất thường ở trẻ

Khi cơ thể trẻ mắc phải một số bệnh sau cũng là nguyên nhân gây nôn trớ cho con:

Trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa: Chậm nhu động ruột, tiêu chảy, dị tật đường tiêu hóa, tắc ruột, xoắn ruột…

Trẻ mắc bệnh về đường hô hấp.

Trẻ mắc một số bệnh khác: Rối loạn thần kinh thực vật, hội chứng sinh dục thượng thận, viêm màng não mủ, xuất huyết não do giảm tỷ lệ Prothrongbin…Nhóm nguyên nhân này ít gặp hơn và thường được phát hiện muộn, song nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời.

Xử lý nôn trớ cho trẻ nhanh chóng vì sức khỏe của bé

3. Xử lý thế nào khi trẻ bị nôn trớ?

Khi trẻ nôn trớ, cha mẹ hoặc người sơ cứu không được hoảng hốt mà phải thật bình tĩnh rồi thực hiện theo các bước sau:

– Ngay lập tức cho trẻ nghiêng đầu sang một bên để trẻ không bị sắc chất nôn. Dùng khăn gạc làm sạch chất nôn trong miệng và họng trẻ trước, sau đó đến mũi trẻ (nếu có).

– Dùng bàn tay khum lại, vỗ nhè nhẹ vào hai bên lưng để trẻ đỡ sợ và bớt khóc, đồng thời cũng giúp trẻ nôn phần còn lại ra ngoài.

– Dùng khăn xô thấm nước ấm, lau sạch mặt và cổ cho trẻ, thay quần áo cho trẻ nếu có dính chất nôn.

– Khi trẻ đã bình tĩnh lại, từ từ cho trẻ uống nước ấm hoặc oresol ấm.

– Từ từ cho trẻ bú sữa rồi cho trẻ ngủ.

– Tuyệt đối không tùy tiện cho trẻ uống thuốc chống nôn.

Trường hợp trẻ sơ sinh bị sặc chất nôn hoặc có dị vật ở đường thở:

– Sử dụng phương pháp Heimlich vỗ lưng hoặc Heimlich để giúp trẻ thở được bình thường, đồng thời đẩy dị vật hoặc chất nôn ra ngoài.

+ Heimlich vỗ lưng: Người sơ cứu dùng 1 tay đỡ trẻ nằm sấp sao cho đầu thấp hơn thân. Tay còn lại vỗ nhẹ 5 cái vào lưng giữa hai bả vai của trẻ.

+ Heimlich ấn ngực: Người sơ cứu dùng 1 tay đỡ trẻ nằm ngửa sao cho đầu thấp hơn thân. Nếu trẻ có sữa trào vào mũi và họng thì phải hút sạch. Lấy 2 ngón tay ấn mạnh chỗ giữa ức của trẻ 5 lần.

Nếu sau khi sơ cứu mà trẻ vẫn không hết thì hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

Share This
COMMENTS
Comments are closed