Những vấn đề thắc mắc về ọc sữa ở trẻ nhỏ
Ọc sữa ở trẻ nhỏ luôn là vấn đề nan giải với những người lần đầu làm ba mẹ và những triệu chứng ọc sữa ở từng bé rất khác nhau. Vì vậy, bài viết này sẽ giải đáp những câu hỏi khá phổ biến về hiện tượng ọc sữa của con. Cùng tìm hiểu nhé!
1. Ọc sữa ở giai đoạn 3 tháng tuổi
Ọc sữa là biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng nếu bé bị nôn trớ liên tục như vậy thì ba mẹ nên đưa bé tới gặp bác sĩ để được thăm khám để biết được chính xác tình trạng sức khỏe của bé.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng này, khi cho trẻ bú, nên để trẻ nghiêng về bên phải trước vì lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa. Sau một lúc, có thể đổ tư thế cho bé nghiêng sang trái. Tuyệt đối không để con nằm bú sẽ rất dễ gây ọc sữa cho con. Thời gian bú tối đa của bé là 30 phút.
Nếu bé của bú bình thì luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su đầy sữa. Không để bình sữa nằm ngang trong khi bú, tránh tình trạng bé bú hơi trong bình sữa như thế bé có thể bị trớ ngược ra ngoài sau khi bú xong để đẩy không khí ra. Khi cho bé bú, ba mẹ nên dỗ dành không nên để bé quấy khóc vì như vậy, bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày. Sau khi bú, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho ợ hơi. Sau đó, hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao.
2. Vì sao bé hay ọc sữa?
Ọc sữa có thể do 2 nguyên nhân gây ra: sinh lý và bệnh lý. Nhưng nếu trẻ bị ọc sữa nhiều lần trong khi mẹ đã cố gắng khắc phục tình trạng ọc sữa sinh lý, thì nên xét tới nguyên nhân khác như: các dị tật ở đường tiêu hóa như hẹp thực quản, hẹp tá tràng là khi trẻ có biểu hiện ọc sữa liên tục mặc dù không bú cũng nôn, hoặc ói ra rồi bú, bú xong lại ói ra; một số bệnh đường tiêu hóa tắc ruột, lồng ruột thường gặp ở những trẻ sau 3 tháng tuổi, trẻ có biểu hiện ói nhiều, đang bú bình thường bỗng nhiên khóc thét lên, ưỡn bụng, bụng có thể nổi phồng lên … cần phải xử trí cấp cứu càng sớm càng tốt. Trong trường hợp này, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Một số trẻ không chỉ ọc sữa mà còn bị giật mình kèm co giật trong lúc ngủ, vặn mình thì người mẹ cần xem lại chế độ ăn uống của mình vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ đang thiếu canxi và mẹ có thể khắc phục cho con bằng cách cho bé tắm nắng mỗi sáng.
3. Có nên cho con bú lại sau khi ọc sữa?
Nôn trớ liên quan đến ăn uống. Thường bắt gặp ở trẻ nhỏ do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, bú chai, ngậm vú giả, pha sữa không đúng cách, không dung nạp sữa bò hoặc bước vào ăn dặm với thức ăn mới lạ… Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn là khắc phục được tình trạng này ở trẻ
Tuy nhiên, một câu hỏi thường gặp của nhiều bà mẹ bỉm sữa là: có nên cho trẻ bú lại ngay sau khi bị ọc sữa hay không?. Theo các chuyên gia và bác sĩ, sau khi trẻ ọc sữa ba mẹ nên ngừng cung cấp thức ăn cho con từ 30 phút – 1 tiếng để cơ thể trẻ phục hồi và trong thời gian này, ba mẹ nên lau sạch khoan miệng cho bé để bé nhanh chóng lấy lại vị giác. Cho bé uống 1 chút nước và để bé nghỉ ngơi.
4. Cách ngăn ngừa nôn trớ cho trẻ
Không ép trẻ ăn nhiều làm cho trẻ sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn. Phụ huynh nên chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để bảo đảm đủ số lượng thức ăn cần thiết. Sau khi con bú xong nên bế con từ 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm. Pha sữa đúng công thức và nên cho ăn bằng thìa hoặc uống bằng cốc. Khi cho trẻ bú bình với đầu vú cao su thì cần nghiêng bình sao cho sữa ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày gây nôn trớ ở con.