Phân bố cấu trúc và số bữa ăn hợp lý cho trẻ
Nhiều cha mẹ không rõ sẽ phân bố cấu trúc thức ăn như thế nào là đúng độ tuổi và khi nào cần tăng giảm số bữa ăn cho bé? Liệu có 1 thang đo chuẩn cho số bữa ăn của bé trong ngày không?
Theo bác sĩ Anh Nguyễn – Chuyên gia dinh dưỡng cho trẻ em thì trẻ cần có sự sắp xếp bữa ăn và phân bố cấu trúc hợp lý, việc này không những giúp trẻ làm quen được với việc ăn dặm mà còn giúp cơ thể được tiếp nạp dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Phân bố cấu trúc thức ăn
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng con chưa có răng/có đủ răng thì làm sao ăn thô, và cho bé ăn bột hoặc ăn cháo đến 1 tuổi. Thực tế, cấu trúc thức ăn không phụ thuộc vào số răng bé có hay không, mà nó liên quan đến sự phát triển của não bộ. Ở 1 độ tuổi cần thiết, cha mẹ nên thay đổi cấu trúc thức ăn để trẻ không bị rối loạn cấu trúc thức ăn, dẫn đến biếng ăn do trẻ không nhận ra được sự khác biệt về mặt cấu trúc trong những thức ăn dặm bé ăn.
Sự kì diệu trước 1 tuổi: Trẻ con trước 1 tuổi là rất dễ nhạy cảm độ mặn ngọt và cấu trúc thức ăn. 2 nhân tố này sẽ góp phần phát triển thói quen ăn uống tốt nếu cha mẹ biết cách giới thiệu đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh cho bé làm quen trước 1 tuổi. Việc cho qua nhiều gia vị vào thức ăn hoặc cấu trúc thức ăn không đúng trước 1 tuổi sẽ làm trẻ phát triển thói quen ăn uống không tốt. Đừng vội trách tại sao bé khi lớn kén ăn quá rồi liên tục thay đổi phương pháp ăn dặm, nếu từ nhỏ cha mẹ không chú ý 2 nhân tố nêu trên.
Cấu trúc thức ăn cho bé
TỪ 5.5 – HẾT 6 THÁNG TUỔI:
Cha mẹ giới thiệu cháo loãng mịn, nấu tỷ lệ 1 muỗng gạo : 10 muỗng nước (hoặc 1:8)
Cấu trúc các loại rau củ, thịt cũng dạng mịn nhuyễn, có thể ray mịn.
TỪ 7 THÁNG – HẾT 9 THÁNG TUỔI
3 tuần đầu, tăng tỉ lệ lên 1:6, nhưng vẫn giữ cấu trúc mịn của rau củ, thịt cá
3 tuần kế, cháo tỉ lệ 1:4 hoặc 1:5, cấu trúc rau củ không cần mịn, tạo cấu trúc khối mịn trong cháo để trẻ bắt đầu làm quen với cấu trúc, và bắt đầu hoàn thiện kĩ năng nhai hơn.
TỪ 10 THÁNG – HẾT 12 THÁNG TUỔI
Bắt đầu giới thiệu cơm nát cho bé, thịt cá xé hoặc xay. Khi bé điều khiển tốt các ngón tay bốc bỏ miệng, mẹ có thể giới thiệu thêm 1 số dạng tinh bột khác ngoài gạo như bánh mì, mì, nui.
Xen kẽ tuần, bạn có thể cho bé làm quen với 1 số cấu trúc mới khác như: Cấu trúc giòn giòn (cá chiên giòn, khoai tây cắt lát mỏng tự chiên giòn), Cấu trúc nhám (viên cơm lăn mè mịn).
SỐ BỮA ĂN THEO ĐỘ TUỔI
Nhiều cha mẹ hỏi: Liệu có thang chuẩn về số bữa ăn cho trẻ không?
Thực tế, không có thang chuẩn về số bữa ăn cho trẻ vì mỗi bé là khác nhau. Chuyên gia dinh dưỡng Anh chỉ cho 1 chế độ chuẩn đến từng Centimet khi đánh giá lên một bé cụ thể nào đó. Do đó, cha mẹ không nên quá áp lực là sao con người này ăn nhiều bữa quá, con mình ăn ít bữa quá.
Để hướng dẫn thực hành dễ dàng cho bậc phụ huynh, chuyên gia dinh dưỡng Anh hướng dẫn số bữa khuyến cáo. Số bữa khuyến cáo là dựa trên nhu cầu năng lượng trung bình, mức độ đáp ứng với ăn dặm của trẻ dưới 1 tuổi và mức độ hoạt động trung bình. Do đó, cha mẹ không nên quá rập khuôn áp dụng, có thể gia tăng hoặc gia giảm tùy vào mỗi bé, nhưng việc gia tăng không quá 200% hoặc gia giảm không quá 60%. Nếu thấy số bữa ăn bé không hợp lý thì khuyên nên tư vấn chuyên gia dinh dưỡng.
SỐ BỮA KHUYẾN CÁO
TRẺ TỪ 5.5 – HẾT 6 THÁNG TUỔI: 1 cữ chính + 1 cữ phụ (lượng = 1/2 cữ chính chỉ khi bé vui hợp tác)
TRẺ TỪ 7 – HẾT 8 THÁNG TUỔI: 1 cữ chính + 1 cữ phụ (Có thể bằng cữ chính hoặc tập trung giới thiệu 1 số món cao năng lượng cho bé nếu bé hơi biếng ăn). Đọc thêm bài viết trước đây của tôi về món cao năng lượng
TRẺ TỪ 8 – HẾT 10 THÁNG TUỔI: 2 cữ chính + 2 cữ phụ (Trong đó 1 cữ phụ nhẹ như 1 miếng phô mai (30gr)/2 con tôm chiên giòn/1 chén súp 40-50ml…)
TRẺ TỪ 11 – HẾT 13 THÁNG TUỔI: 3 cữ chính + 1 cữ phụ (cữ phụ đúng nghĩa nhẹ, thường giới thiệu món ăn có cấu trúc mới lạ cho bé học hỏi)
TRẺ SAU 13 THÁNG TUỔI : 3 cữ chính + 1-2 cữ phụ nhẹ (lượng 1/3 cữ chính)