Tìm hiểu về bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ
Trong 4 tháng đầu đời, dạ dày của con còn non yếu nên rất dễ mắc phải chứng trào ngược dạ dày thực quản. Khi trẻ mắc phải bệnh này, ba mẹ phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức để xử lý kịp thời, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Để hiểu rõ về chứng bệnh này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh này là trẻ thường xuyên bị nôn trớ do trào ngược dạ dày gây ra. Vì trẻ còn nhỏ, nên một khi mắc bệnh sẽ phải chịu đựng gấp 10 lần người lớn.
Khi bệnh trở nặng, trẻ sẽ kèm theo những biểu hiện khác như:
– Trẻ hay trớ và ọc sữa nhiều, không ngừng lại được.
– Trẻ bị ọc sữa qua mũi hoặc nôn ra máu.
– Con chán ăn chậm tăng trưởng, thiếu máu, suy nhược, suy dinh dưỡng thấy rõ.
– Đau ở xương ức kèm theo ợ nóng khiến trẻ kêu khó chịu, quấy khóc.
– Thường xuyên bị nhiễm trùng phổi hoặc bị nghẹt thở, thở khò khè, tím tái hoặc ngưng thở.
Đây là những biến chứng rất nguy hiểm vì nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong do tắc thở ở trẻ.
2. Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ
– Do dạ dày của trẻ nằm ngang và van ngăn cách dạ dày với thực quản còn yếu nên không giữ được thức ăn trong dạ dày.
– Thức ăn của trẻ chủ yếu là sữa, bột hay cháo đều là những thức ăn lỏng nên dễ lọt qua cơ thắt thực quản dưới.
– Trẻ bú hoặc ăn khi nằm ngang nên thức ăn dễ tràn lên miệng, thực quản.
Bên cạnh đó, còn do trẻ bị mắc một số bệnh lý nguy hiểm như: bại não, nhiễm trùng toàn thân…
3. Cách phòng tránh bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ
– Làm đặc thức ăn: Các mẹ làm đặc thức ăn bằng cách bổ sung 1 muỗng canh bột gạo (đã được chế biến sẵn) vào 60ml – 120 ml sữa. Sẽ giúp làm giảm nôn trớ, kéo dài giấc ngủ của trẻ và giảm hiện tượng quấy khóc.
– Các cữ bú nên được chia nhỏ mỗi lần 30 – 60ml. Khi con bú xong, mẹ nên vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ rồi bú tiếp.
– Khi trẻ bú bình, để đầu núm vú bình luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng. Khi bú xong, bế trẻ cao đầu trong khoảng 20 phút, vỗ nhẹ lưng cho bé ợ hơi, tiếp tục đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối cao khoảng 30 độ. Không để trẻ bú nằm dễ bị sặc, trớ sữa.
– Tránh cho trẻ ăn một số thực phẩm làm tăng trào ngược dạ dày: Cam, quýt, bưởi. Chế độ ăn cần giảm chất béo. Tránh các gia vị đi kèm như: tỏi, hành hoặc thức ăn cay, xốt cà chua và những món ăn kèm xốt cà chua.
– Khi trẻ bị trào ngược gây sặc sữa với biểu hiện tím tái, ngưng thở, cần kích thích thở bằng cách cho trẻ nằm nghiêng, vỗ nhẹ lưng để sữa chảy ra hoặc hút sữa từ mũi bé. Ngay sau đó, đưa trẻ đến bệnh viện.
– Các mẹ cần đặc biệt cẩn trọng khi cho bé dùng thuốc chữa trào ngược. Một số loại thuốc Tây y chữa trào ngược dạ dày có thể gây cho trẻ nhiều tác dụng phụ không tốt như xốp xương, chán ăn, mệt mỏi…
Với những chia sẻ trên đây, mong rằng các bậc cha mẹ đã có những kiến thức cơ bản về bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em. Ngoài ra, ba mẹ có thể tham khảo thêm tại đây để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh này.