Niềm tin của con trẻ được hình thành từ đâu?

 

Niềm tin của con trẻ ảnh hưởng rất nhiều đến những tiềm năng bên trong mà chúng có thể đánh thức hay để mặc cho nó ngủ vùi. Khi con bạn tin rằng chúng CÓ THỂ đạt toàn điểm 10, chúng sẽ phát huy toàn bộ nội lực bên trong để hành động, trong trường hợp này nghĩa là học miệt mài không quản khó khăn. Nhưng niềm tin của trẻ nhỏ được hình thành từ đâu?

 

Có thể nói những lời lẽ chúng ta dùng, thái độ cử chỉ khi ta giao tiếp với con cái giống như những hạt giống (tốt và xấu) được bạn gieo xuống đất và dần dần hình thành những niềm tin của con cái về thế giới bên ngoài và về bản thân chúng. Ví dụ, nếu bạn thường xuyên cho rằng con mình thuộc hạng hư hỏng hay lười biếng, chẳng bao lâu sau chúng sẽ tin rằng MÌNH lười biếng và hư hỏng thật. Đây là cách con trẻ bắt đầu và củng cố những hình ảnh tiêu cực về bản thân.

 

Cũng vậy, nếu chúng ta đưa ra những nhận xét như “Việc đơn giản đến đứa lên ba cũng hiểu mà con lại không hiểu được sao?”, đứa trẻ sẽ bắt đầu tin rằng mình ngu dốt thậm tệ vì không thể hiểu cả những việc đơn giản nhất. Khi ta lặp đi lặp lại với trẻ câu hỏi, “Con có bị làm sao không vậy?”, chúng sẽ bắt đầu phát sinh cách nghĩ là mình có vấn đề.

 

Kinh nghiệm của bản thân tôi về niềm tin trong trẻ nhỏ. Khi con gái Kelly của tôi còn nhỏ, cháu thường hay lấy bút chì màu vẽ lên tường. Vợ chồng tôi bèn nói với con bé là nó không được vẽ bậy lên tường nữa, nếu không chúng tôi sẽ tịch thu hộp bút chì màu của nó. Người giúp việc của chúng tôi, do không có kiến thức về tâm lý trẻ em, thường mắng, “Đồ con gái hư! Hư quá đi!” bất cứ khi nào chị thấy cô bé vẽ lên tường. Chị ta không nhận ra rằng, với việc nói đi nói lại cô bé hư, đứa trẻ sớm tin rằng nó hư thật và bắt đầu cư xử đúng với quan điểm đó. Trẻ em luôn sống đúng với những mong muốn của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng chúng.

 

Nhiều bậc cha mẹ không nhận ra rằng họ đã vô tình gieo những niềm tin sai lạc cho con cái thông qua ngôn từ mà mình sử dụng. Mới gần đây trong lần đưa con gái tôi Samantha ra sân chơi, tôi để ý đến một cậu bé năm tuổi chạy tới chân cầu trượt và bắt đầu leo lên. Mẹ cậu đang đứng phía sau lập tức la lên, “Xuống ngay! Xuống ngay! Té chết bây giờ Bạn có nghĩ là câu cảnh báo của người mẹ tác động xấu đến con trai không? Có đấy, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ ấn định một niềm tin sai lầm rằng, mỗi khi cố vượt qua một thử thách nào đó, cậu bé sẽ lãnh hậu quả xấu. Có một cách nói vừa giúp bảo đảm an toàn cho cậu bé vừa cho cậu cơ hội thử thách bản thân và tạo dựng niềm tin: “Con có thể leo lên nhưng hãy cẩn thận” và người mẹ có thể canh chừng cho con từ phía sau. Khi bạn củng cố niềm tin của con cái vào bản thân chúng bằng những câu nói khích lệ như, “Mẹ biết con sẽ làm được!”, “Ba tin con sẽ làm tốt hơn vào lần sau”, hoặc “Con sẽ là người chiến thắng!” hoặc “Nếu con cố gắng hết sức, con sẽ đạt được bất cứ thứ gì” hoặc “Ba mẹ tin con”, bạn giúp chúng miễn dịch với những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.

 

 

Share This
COMMENTS
Comments are closed