Phương pháp rèn luyện tính tự lập cho con
Tự lập là nền tảng của nhiều phẩm chất tốt, là sự rèn luyện kỷ luật, cũng như là tiền đề cho khả năng sáng tạo và tư duy logic cho trẻ trong tương lai.
Rèn tính tự lập hàng ngày
Rèn luyện tính tự lập cho bé là một quá trình lâu dài mà đòi hỏi phải sự bền bỉ và quyết tâm không bỏ cuộc của cả phụ huynh lẫn con cái của họ. Hãy bắt đầu quá trình này với những công việc đơn giản nhất, chẳng hạn như cho trẻ tự thay quần áo. Bước đầu, hãy nói cho trẻ biết cách phân biệt mặt trước và mặt sau, bên trái và bên phải, và sau đó là cách mặc đối với từng loại trang phục riêng biệt.
Sau khi đã nắm rõ điều đó, hãy để trẻ tự mặc theo những gì mà bé nhớ, dù những lần thử này sẽ mất khá nhiều thời gian. Nên nhớ, giáo dục trẻ em quan trọng nhất là phải kiên nhẫn. Đừng nên nóng vội hay vì thương con mà làm giúp con, bởi như vậy vô hình chung bạn đã lấy đi của trẻ khả năng tự làm một mình, đồng thời bạn cũng đã vô tình khiến cho con ỷ lại và thụ động hơn ngày qua ngày. Không nên lo lắng vì thấy con mất quá nhiều thời gian, hãy yên tâm rằng sau vài lần như vậy, con sẽ tự mình mặc quần áo một cách nhanh chóng.
Ngoài việc cho bé tự mặc và thay quần áo, bạn còn có thể nâng cao thêm khả năng tự phục vụ cho bản thân mình của bé bằng cách dạy con gấp quần áo và giải thích cho con lý do vì sao phải làm việc đó. Khi hiểu rõ việc mình cần làm thì chắc chắn bé sẽ tự giác làm việc này vào lần sau và dần dần sẽ hình thành thói quen tốt cho trẻ khi trưởng thành.
Lựa chọn những công việc phù hợp với bé
Để nâng cao việc rèn luyện, bạn hãy chỉ cho bé cách dọn dẹp đồ dùng vào đúng nơi quy định sau khi đã lấy ra, chẳng hạn như cất ly nước mà bé vừa uống vào đúng chỗ cũ. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho con cùng vào bếp phụ mẹ, việc làm “chân sai vặt” cho mẹ vừa để rèn luyện cho bé khả năng chủ động làm việc, vừa tăng cơ hội gần gũi và tình yêu thương giữa hai mẹ con.
Ngoài ra, trẻ em mầm non thường tiếp xúc với đồ chơi hằng ngày. Do đó, mẹ cũng có thể rèn cho con thói quen cách cất đồ chơi vào chỗ cũ khi chơi xong. Sau đó sẽ là khuyến khích con tự dọn dẹp phòng của mình và giúp mẹ làm những công việc nhà đơn giản. Trong quá trình rèn luyện, hãy lưu ý đừng nóng nảy mà la mắng con, bởi khi bị la mắng, tâm lý sợ sệt sẽ làm trẻ không thể thoải mái, cảm thấy mình tệ và luôn sợ hãi, có khoảng cách với bạn. Nên hiểu và thông cảm cho con, cũng như khuyến khích và động viên để con tự tin hơn với khả năng của mình.
Rèn luyện kỹ năng tự lập cho bé là một trong những việc làm quan trọng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu thương con của phụ huynh. Nên nhớ chính tình yêu thương và kiên nhẫn đó mới chính là chìa khóa của việc giáo dục trẻ nên người, mẹ nhé.