Khái niệm ủ ấm da kề da

Khái niệm về phương pháp ủ ấm da kề da

Khái niệm về phương pháp ủ ấm da kề da (skin to skin contact) cho trẻ sơ sinh: một số nhà nghiên cứu gọi da kề da là Kangaroo mother care (chăm sóc bà mẹ Căng-gu-ru) hoặc Kangaroo care (chăm sóc Căng-gu-ru) nhưng khái niệm này không hoàn toàn giống nhau. Tại Hội thảo Quốc tế đầu tiên tổ chức tại Trieste, Italy 1996, có tới hơn 13 khái niệm khác nhau về chăm sóc bà mẹ Căng-gu-ru nhưng các nhà nghiên cứu nhất trí định nghĩa chăm sóc bà mẹ Căng-gu-ru gồm 3 nội dung chính: tiếp xúc da kề da giữa mẹ và con (skin-to-skin contact); cho trẻ bú sữa mẹ sớm và hoàn toàn; xuất viện sớm trong ở vị trí Kangaroo. Khái niệm chăm sóc Căng-gu-ru khi đó chỉ đề cập đến can thiệp tiếp xúc da kề da giữa mẹ và con trong bệnh viện [20].

ở Mỹ, thường sử dụng khái niệm chăm sóc Căng-gu-ru với định nghĩa là “tiếp xúc da kề da giữa mẹ và con trong bệnh viện”. Chăm sóc Căng-gu-ru thường bắt đầu muộn hơn và ở trẻ sinh non đã ổn định và được sử dụng kết hợp với các kỹ thuật chăm sóc khác [14]. Các quốc gia châu Âu áp dụng chăm sóc Căng-gu-ru bao gồm tiếp xúc da kề da giữa mẹ và con vài giờ mỗi ngày [70].

 Một số tài liệu định nghĩa phương pháp da kề da là “ tiếp xúc da kề da trực tiếp giữa mẹ và con càng sớm càng tốt sau khi sinh (<24 h) [80]; hoặc “giữ ấm trẻ sơ sinh bằng cách đặt trẻ trần hoặc quấn một lớp tã mỏng trực tiếp lên da (ngực hoặc bụng) của mẹ (hoặc một người lớn khác)” [81]. Phương pháp da kề da (skin-to-skin contact) được sử dụng trong nghiên cứu này với định nghĩa là: “Tiếp xúc da kề da trực tiếp giữa mẹ và con trong vòng 30 phút sau khi sinh” [56].

Can thiệp chăm sóc bà mẹ Căng-gu-ru đầy đủ được nhóm bác sĩ nhi khoa Rey và Martinez áp dụng lần đầu từ năm 1979 ở Bogota, Columbia để khắc phục tình trạng bệnh tật và tử vong cao ở trẻ sinh non và nhẹ cân do thiếu lồng ấp và nhiễm khuẩn bệnh viện nghiêm trọng. Kết quả là tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở Bogota đã giảm từ 70 % xuống còn 30% [26]. Nhờ tính ưu việt, kỹ thuật này được phát triển rộng khắp ở Columbia cũng như nhiều nước đang phát triển như một phương pháp can thiệp rẻ tiền thay thế cho liệu pháp chăm sóc trẻ nhẹ cân thông thường với rất nhiều ưu điểm: điều chỉnh nhiệt độ, kéo dài thời gian bú mẹ, thúc đẩy mối tương tác mẹ con, giảm tỉ lệ tử vong [56]. Được nghiên cứu sâu kể từ năm 1983, phần lớn các nghiên cứu đều chứng minh chăm sóc bà mẹ Căng-gu-ru có tác động lớn và tích cực tới mẹ và trẻ, một số cho rằng không có sự thay đổi nhưng không nghiên cứu nào cho biết phương pháp này có tác động xấu tới mẹ hoặc con [17].

Sau đó, chăm sóc bà mẹ Căng-gu-ru được các chuyên gia khuyến cáo cần áp dụng thích hợp cho từng trẻ, từng giai đoạn phát triển và phù hợp với điều kiện ở từng cơ sở y tế hoặc khu vực. Là một nội dung của chăm sóc bà mẹ Căng-gu-ru, phương pháp da ủ ấm kề da giữa mẹ và con (skin-to- skin contact) tốt nhất nên thực hiện ngay sau khi sinh nhưng nó vẫn có tác dụng vào bất kỳ thời gian nào và với thời gian tiếp xúc ngắn vẫn mang lại lợi ích cho trẻ [15]. Các lợi ích bao gồm:

– Kiểm soát thân nhiệt và chuyển hóa: kiểm soát thân nhiệt tốt, khôi phục nhiệt độ bình thường nhanh hơn đối với những trẻ bị lạnh, kể cả trẻ sinh non Các quan sát cho thấy nhịp tim phổi, sự thở, giấc ngủ và hành vi của trẻ tiếp xúc da kề da tương tự hoặc tốt hơn so với trẻ bị tách mẹ [28]. Sự tương tác giữa mẹ và con còn có nhiều hiệu quả khác nữa như làm giảm lượng cortisol- là chỉ số báo hiệu stress trong nước bọt của trẻ, giảm đau, giảm khóc, giúp trẻ sớm thích nghi với môi trường mới sau sinh, tác động tốt tới môi trường gia đình và sự phát triển nhận thức của trẻ [24], [28].

– Giảm tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong: Nhiều năm trước đây, các bác sĩ cho rằng tách mẹ giúp trẻ được an toàn hơn vì trẻ ít có nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn từ mẹ. Nhưng sau đó người ta nhận thấy tiếp xúc da kề da giúp trẻ giảm được nguy cơ mắc bệnh do vi khuẩn có hại [75]. Các nghiên cứu đối chứng được thực hiện ở các nước có thu nhập thấp cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện và tỉ lệ tái nhập viện thấp hơn ở trẻ được tiếp xúc da kề da. Trẻ cũng không có nguy cơ bội nhiễm mới liên quan đến việc tiếp xúc da kề da với mẹ [63].

– Thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ và sự tăng trưởng của trẻ: Các nghiên về hiệu quả của phương pháp da kề da đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ được thực hiện ở các nước có thu nhập thấp đều cho thấy phương pháp này làm tăng tỉ lệ và thời gian nuôi con bằng sữa mẹ [25],[32]. Một số nghiên cứu khác thực hiện ở các nước có thu nhập cao nơi thực hiện da kề da muộn hơn và thời gian tiếp xúc ít hơn cũng cho thấy phương pháp này có ảnh hưởng tốt đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ [31]. ở tư thế da kề da với mẹ, trẻ dễ thở và có biểu hiện các hành vi như tiết nước bọt, tìm kiếm vú mẹ, vì vậy giúp trẻ thành công trong lần bú mẹ đầu tiên và thúc đẩy tự nhiên việc bú mẹ sau này [56]. Mặc dù phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người lớn nhưng trẻ sơ sinh vẫn có một số khả năng bẩm sinh như tìm bú vú mẹ, nên nếu được ở gần mẹ ngay sau sinh trẻ sẽ có cơ hội được bú mẹ trong vòng một giờ sau sinh nhiều hơn so với trẻ bị tách mẹ [15].

Các hiệu quả khác: Tiếp xúc da kề da giữa mẹ và con còn làm tăng giải phóng oxytocin, một hormon gây co cơ tử cung, giảm nguy cơ chảy máu sau đẻ [69]. Phân tích số liệu từ các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng ở Colombia, Tesier kết luận rằng cần khuyến khích thực hiện da kề da càng sớm càng tốt sau khi sinh bởi vì nó thúc đẩy mối tương tác giữa mẹ và con làm cho người mẹ cảm thấy mình có khả năng chăm sóc con hơn [65]. Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp da kề da để làm ấm lại đối với trẻ bị hạ nhiệt hoặc để ủ ấm cho trẻ trong khi vận chuyển [29].

Thực hiện phương pháp da kề da như thế nào? Tất cả các bà mẹ, không phân biệt độ tuổi, số con, trình độ văn hóa, phong tục tập quán và tôn giáo đều có thể thực hiện da kề da nếu điều kiện sức khỏe cho phép. Theo tiêu chuẩn nghiên cứu này, trẻ sơ sinh được đặt trực tiếp da kề da lên ngực hoặc bụng mẹ trong vòng 30 phút sau sinh.

 

 

Share This
COMMENTS
Comments are closed