Cho con cái quyền lựa chọn của riêng mình

 

Cô bé Kelly hai tuổi của chúng tôi cũng được quyền lựa chọn như thế nào? Chúng tôi không chỉ sử dụng những phương pháp trên một cách thành công với học trò mà còn cả với đứa con gái nhỏ của mình nữa.

Khi bé Kelly hai tuổi, vợ tôi phải viện đủ mọi cách để khiến nó uống hết bình sữa. Nhưng mặc cho vợ tôi la mắng hay năn nỉ đến mấy, Kelly lần nào cũng trì hoãn không chịu uống sữa. Đến lúc bực quá vợ tôi đe dọa nó thì mọi việc thường trở nên tồi tệ hơn, Kelly bực bội khóc thét lên và không chịu nghe ai dỗ dành nữa. Thế là vợ tôi sử dụng biện pháp “tạo điều kiện cho con trẻ lựa chọn” và mọi việc trở nên tốt đẹp hơn, ít nhất thì trong nhà cũng không vang lên tiếng hò hét, khóc lóc nữa. Thay vì la mắng đe dọa như trước đây, vợ tôi thông báo với con bé rằng, “Nếu con uống hết sữa ngay, con có thể đi công viên chơi với ba mẹ (điều mà Kelly rất thích). Nếu uống chưa xong, con sẽ ở nhà còn ba mẹ sẽ đi chơi”. Dĩ nhiên, lần đầu tiên dùng đến biện pháp này, vợ chồng tôi phải ra khỏi nhà thật để chứng tỏ rằng chúng tôi sẽ làm đúng những gì đã nói. Kể từ đó, cô bé ngoan ngoãn uống hết bình sữa vì nó sợ bị bỏ lại ở nhà.

 

Quyền lựa chọn mang lại cho bạn ý thức làm chủ Nhiều năm về trước, khi tổ chức các khóa huấn luyện đầu tiên cho học sinh, chúng tôi nói với các em rằng chúng Phải tham gia tích cực và chúng tôi sẽ cứng rắn với những em chểnh mảng. Bạn nên biết là nhiều em trong số những học sinh của chúng tôi bị buộc phải đi học; thế nên chúng có sẵn định kiến là chúng tôi sẽ tìm mọi cách để thay đổi chúng thành một người khác. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều đứa tỏ thái độ nghi kỵ, phòng thủ, thậm chí còn công khai thách thức chống đối nữa, “Hừm, cứ thử thay đổi tôi xem nào!” Khi chúng tôi tỏ ra nghiêm khắc với chúng và ép buộc chúng tham gia vào những hoạt động chung mang tính thực hành thì chúng bắt đầu la ó, nhiều đứa còn kích động những đứa trẻ bất mãn khác.

Thấy tình thế không ổn, chúng tôi bèn tìm cách thay đổi cách tiếp cận, nhất là khi chúng tôi đã hiểu rõ sức mạnh của việc mang lại những lựa chọn và quyền quyết định cho trẻ. Vậy chúng tôi đã làm như thế nào? Ngay từ đầu khóa học, chúng tôi nói với các em rằng chúng nhận được lợi ích từ khóa học như thế nào là tùy thuộc vào chúng. Rằng với tư cách những nhà huấn luyện, chúng tôi không thể thay đổi ai và cũng không có ý định đó (nghe thế những đứa trẻ có thái độ chống đối bắt đầu “hạ vũ khí”). Sau đó, chúng tôi nhấn mạnh một thông điệp rằng không ai có thể thay đổi chúng trừ bản thân chúng, và chúng có khả năng cũng như quyền lựa chọn để làm một người thành công hay thất bại trong cuộc sống. “Nếu bạn chọn việc tham gia nhiệt tình vào khóa học, bạn sẽ tìm thấy trong bản thân một người tự tin và có động lực đi lên. Nếu chọn cách đứng ngoài các hoạt động của khóa học, thì bạn cũng vẫn là một người thất bại như cũ, sau khi tiêu phí tiền bạc của cha mẹ và thời gian của bản thân”. Chúng tôi còn cho phép học sinh quyền lựa chọn để khóa học diễn ra như thế nào nữa. “Chúng tôi có thể tùy theo sự lựa chọn của bạn mà tổ chức khóa học nhẹ nhàng, học ít chơi nhiều, mọi người đều cảm thấy “khỏe re” (cả người học lẫn người đào tạo).

 

Nhưng như thế bạn sẽ chẳng nhận được lợi ích gì nhiều từ tiền học phí và thời gian bỏ ra đầu tư. Hoặc tôi có thể chọn cách làm cho khóa học này trở nên khó khăn hơn với nhiều thử thách hơn. Bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn, nhưng đổi lại sẽ gặt hái nhiều hơn khi nhận thức được tiềm năng vô hạn của mình và có cơ hội thành công hơn so với những bạn khác”.

 

Share This
COMMENTS
Comments are closed