Nếu con cái của bạn chẳng có những ước mơ?
Rất nhiều bậc cha mẹ tâm sự với tôi rằng, khi hỏi con cái về ước mơ của chúng, họ thường nhận được những câu trả lời như, “Con không biết” hoặc “Con còn chưa nghĩ tới”. Có nhiều lý do giải thích cho việc này. Thứ nhất, những đứa trẻ ấy có niềm tin sai lầm, giới hạn. Một khi có niềm tin như vậy, chúng sẽ không bao giờ dám đặt mục tiêu to lớn bởi vì mọi thứ dường như nằm ngoài tầm tay của chúng.
Đây là lý do tại sao việc gầy dựng niềm tin tích cực trong con cái là bước quyết định đầu tiên trong Công thức Thành Công Tuyệt Đỉnh. Nếu con bạn không tin tưởng vào bản thân mình, sao chúng dám đặt ra những mục tiêu cao xa. Lý do thứ hai thông thường hơn, những đứa trẻ này chưa suy nghĩ về chuyện đó vì chưa bao giờ chúng thật sự tiếp cận với những khả năng mà chúng có thể đạt được trong cuộc sống. Đây là lúc chúng ta phải bắt tay vào giúp con cái tiếp cận với những khả năng khác nhau, chỉ có như vậy chúng mới tự tin đặt ra những mục tiêu khác nhau trong cuộc sống.
Từ những quan sát so sánh như thế, tôi đi đến kết luận là tất cả những học sinh giỏi và có động lực phấn đấu đều là những người có tính mục tiêu rất cao. Chúng biết mình muốn gì.
Tôi cũng nhận ra yếu tố quan trọng nhất không phải là mục tiêu ngắn hạn trong học tập mà chính mục tiêu lâu dài trong cuộc sống mới là bệ phóng giúp chúng thành công. Chúng đặt ra cho bản thân những mục tiêu cao siêu trong cuộc sống như: xây dựng một đế chế tỉ đô, noi gương Donald Trump, trở thành thủ tướng chính phủ hoặc nhà di truyền học để giúp hệ sinh thái. Hay trong trường hợp cậu học sinh đầu tiên mà tôi hỏi thì cậu muốn tìm ra phương thuốc trị bệnh ung thư. Những ước mơ táo bạo đầy cảm hứng này thúc đẩy chúng tiếp tục học tập và đạt điểm cao hơn, cao hơn nữa. Chúng coi thành tích học tập là phương tiện giúp chúng biến ước mơ thành hiện thực. Ngược lại, những học sinh kém không có mục tiêu rõ ràng. Đơn giản chỉ vì chúng không dám nuôi mơ ước. Khi được hỏi tại sao chúng phải học, chúng sẽ trả lời: “Em học vì em không có lựa chọn nào khác”, “Em học để cha mẹ em vui”, “Em phải học nếu không muốn nghe mẹ em la rầy”. Nói cách khác, chúng không học cho mình hay cho ước mơ của mình mà học để cha mẹ khỏi rầy rà chúng.