Nguyên nhân và cách khắc phục triệu chứng trớ sữa cho con
Đứa trẻ nào cũng trải qua giai đoạn trớ sữa trong thời kì sơ sinh, mức độ trớ sữa tùy vào thể trạng của bé. Có bé trớ nhiều có bé trớ ít là những hiện tượng rất bình thường, không đáng lo ngại.
Để biết rõ hơn về triệu chứng này của con, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. Tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Với những trẻ sinh non, nôn trớ xuất hiện nhiều lần hơn so với những đứa trẻ khác. Nôn trớ tuy không phải là điều đáng lo ngại nhưng nếu không xử lý kịp thời, sữa dính vào trong mũi bé, khi bé hít vào sẽ xâm nhập phế quản gây ra viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm mũi… rất nghiêm trọng.
Nôn trớ thường xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nếu ngay cả khi trẻ không bú mà vẫn bị nôn thì ba mẹ nên xem xét lại và đưa con đến bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra sức khỏe vì có thể bé đang mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng nào đó.
2. Một số nguyên nhân và cách phòng tránh trớ sữa cho trẻ
– Bú sai cách: Một số bà mẹ bỉm sữa thường thúc trẻ bú thêm vì cứ nghĩ như thế sẽ giúp con phát triển nhanh, nhưng đây lại chính là nguyên nhân gây trớ sữa cho con. Vì thế, khi cho bé bú, mẹ không nên cố ép bé bú quá nhiều. Trước hết có thể cho con nằm nghiêng sang phải lúc vừa bú, sau đó đổi sang trái để đổi tư thế cho con nhưng vẫn tránh được ọc sữa cho bé. Cho bé bú đúng cách là chìa khóa thành công giúp bé giảm nôn trớ sữa. Khi cho bé bú, mẹ cần nhẹ nhàng và từ tốn. Có thể cho bé nghỉ một lát rồi mới bú tiếp trong suốt cữ bú. Tốt nhất, nên cho bé bú làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần bú không no quá…Chú ý mỗi lần bú chỉ nên tối đa 30 phút. Khoảng cách giữa các lần bú cách nhau 2 tiếng.
– Không giữ tập trung cho bé trong lúc bú: Nhiều người đùa giỡn với bé trong và sau khi bú điều này gây sặc và ọc sữa ở trẻ. Vì vậy, khi cho con bú, mẹ nên tìm không gian thoải mái, yên tĩnh, tránh có nhiều tiếng ồn và tuyệt đối không đùa giỡn hay tâng con trong và sau lúc bé bú xong. Sau khi bú, mẹ có thê bế bé thẳng đứng từ 15 – 20 phút, dùng tay vỗ nhẹ vào lưng giúp bé ợ hơi, tránh gây nôn trớ cho con. Khi bé ợ hơi rồi, lúc này mẹ có thể đặt con nằm xuốn, kê cao đầu cho trẻ.
– Mặc quần áo quá chật: khiến trẻ bị gò bó, không thoải mái gây ra tâ lý khó chịu cho con. Nên trong lúc bú no, bụng bé phình to ra nhưng lại bị quần áo chật chội bó buộc lại gây ọc sữa cho con. Cách tốt nhất là nên cho bé ăn mặc thoải mái, khi cho bé bú nên nới lỏng phần lưng quần cho bé để bé dễ chịu hơn.
3. Xử lý trường hợp trớ sữa cho con
Khi con bị trớ sữa, mẹ lập tức bế bé dậy cho đầu bé cúi lên vai mẹ, và mẹ vỗ lưng bé thật lâu (khoảng 15 phút), cứ để bé ói ra hết, không để sặc vào trong, bên cạnh đó lau ngay sữa dính trên lỗ mũi nhằm tránh để bé hít vào. Sau khi vỗ được 15 phút, để bé xuống hút hết sữa trong mũi ra, sau đó vệ sinh mũi con bằng nước khoáng sinh lý.
Sau khi ọc sữa, thể trạng bé khá yếu, không nên vội vàng cho trẻ bú lại ngay mà mẹ nên cho con nghỉ ngơi 30 phút – 1 tiếng, trong lúc này mẹ hãy vệ sinh khoang miệng cho con để giúp bé lấy lại vị giác.
Khi trẻ vừa bú xong, không nên đặt trẻ nằm ngửa hoặc vần trẻ nhiều. Tốt nhất, khi bú xong, nhẹ nhàng để bé nằm sấp vào vai mẹ rồi vỗ khẽ vào lưng bé, để đẩy khí ra khỏi dạ dày qua động tác nấc, giúp bé giảm trớ sữa. Hoặc mẹ có thể lót chăn kê nửa người phía trên của bé hơi cao lên hay cho bé nằm nghiêng bên phải, nhưng tuyệt đối không cho trẻ gối cao đầu vì gối cao dễ gây gập cổ khiến trẻ khó thở.
Tạo tâm lý thoải mái khi cho bé bú, đặc biệt tránh cho bé vừa bú vừa khóc. Khóc trong khi bú khiến bé nuốt nhiều hơi gây căng dạ dày, điều này dễ khiến bé nôn trớ nhiều hơn.