Giúp ba mẹ tìm hiểu về vấn nạn ấu dâm ở trẻ em
Hiện nay, vấn nạn ấu dâm hay còn gọi là xâm hại tình dục ở trẻ em đang diễn biến khá phức tạp và diễn ra ở mọi ngóc ngách xã hội, thậm chí là ở môi trường giáo dục. Những yêu râu xanh thường đến từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, khó mà nhận biết được.
Dưới đây là một vài cách của VAS để giúp ba mẹ hướng dẫn trẻ chống lại nhóm người có biểu hiện sai lệch tình dục này nếu vô tình bé trở thành con mồi của chúng.
1. Thế nào là xâm hại tình dục ở trẻ em
Theo định nghĩa, xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi tình dục không mong muốn, có thể bao gồm cả hành vi xâm hại có tiếp xúc hay hành vi xâm hại không tiếp xúc. Xâm hại tình dục trẻ em là quá trình trong đó một người trưởng thành lợi dụng vị thế của mình nhằm dụ dỗ hay cưỡng ép trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục.
2. Cách giúp bé chống lại xâm hại tình dục
Hành vi xâm hại tình dục có thể là từ việc xam hại bằng lời nói, trêu ghẹo trẻ một cách quá đáng, sờ mó bộ phận sinh dục của trẻ, có hành vi thủ dâm, tiếp xúc miệng với bộ phận sinh dục, giao hợp bằng ngón tay, giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn, ép buộc trẻ sờ mó vào cơ thể người lạm dụng… Việc lạm dụng tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn vào các tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc trực tiếp như khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy, kể cho trẻ nghe về tình dục, cho xem phim, truyện khiêu dâm, tìm cách hướng dẫn, kích thích tình dục trẻ, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh khiêu dâm trẻ em…
3. Những đối tượng của nạn ấu dâm
Nạn ấu dâm có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em nào, cả trẻ em trai và trẻ em gái. Đặc biệt, trẻ em thuộc giới thứ ba, trẻ em đang khám phá tình dục hoặc trẻ khuyết tật (tất cả các dạng khuyết tật) là đối tượng có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục.
Theo các nghiên cứu về các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, người phạm tội xâm phạm tình dục trẻ em chưa chắc là người mắc loạn dục với trẻ em trừ khi họ có một ham muốn tình dục mạnh mẽ ở trẻ em độ tuổi trước dậy thì. Điều này có nghĩa là không phải ai mắc loạn dục với trẻ em cũng có hành vi tình dục với trẻ em. Thủ phạm thường gặp nhất là những thành viên trong gia đình hoặc những người quen biết (bạn bè của gia đình, hàng xóm, người trông trẻ…). Những tội phạm dạng này thường xây dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân và gia đình của các em để che giấu hành vi xâm hại.
4. Hệ lụy của vấn nạn ấu dâm
Xâm hại tình dục là một hành động trái pháp luật. Nó không chỉ gây tổn thương thể chất và những hậu quả nhất thời mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài. Những hậu quả lâu dài biểu hiện từ nhẹ đến những rối loạn rất nặng. Những rối loạn này không chỉ liên quan đến sức khỏe sinh sản mà còn liên quan đến khả năng học tập, khả năng hòa nhập cũng như đối với sức khỏe tâm thần của trẻ.
Dựa vào mức độ của lạm dụng tình dục mà trẻ có thể biểu hiện sợ hãi và lo lắng trước người khác giới hoặc trước những vấn đề liên quan đến tình dục và có thể biểu hiện những hành vi tình dục không đúng mực.
Về mức độ ảnh hưởng tâm lý lâu dài, trẻ em từng là nạn nhân bị xâm hại tình dục, có nguy cơ bị tự tử, uống thuốc quá liều, bị rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, lệ thuộc các thuốc/chất gây nghiện (rượu, thuốc lá, các thuốc kích thích…), các bệnh tâm lý tâm thần cao hơn nhiều so với các trẻ khác. Và rất nhiều người gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống tình dục sau này.
5. Những dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ bị xâm hại tình dục
Tâm trạng của trẻ bị thay đổi, thu mình hơn, cáu giận bất thường hay trở nên hung hăng; Sợ hãi một người hoặc một nơi đặc biệt nào đó, phản ứng không bình thường từ trẻ khi trẻ được hỏi chúng có tiếp xúc đụng chạm với một người nào đó không; Đi tiêu, tiểu khó, ra máu; thấy vệt máu trên quần áo trẻ; trẻ ít tắm, sợ tắm sợ thay đồ; trẻ khó ngủ, gặp ác mộng và hay tè dầm; trẻ hay vẽ những hình vẽ liên quan đến hành vi tình dục; bỗng hiểu rõ bộ phận sinh dục, các hoạt động tình dục cũng như các từ ngữ liên quan…
6. Cách xử lý và phòng chống tệ nạn ấu dâm
Trong trường hợp, phụ huynh phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục, việc đầu tiên là cố gắng ngăn chặn hành vi xâm hại và bảo vệ trẻ; đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám và tư vấn nhằm điều trị thể chất và tâm lý cho trẻ. Đồng thời, phu huynh phải báo cơ quan chức năng điều tra để ngặn chặn tình trạng tiếp diễn đối với con mình và có thể xảy ra với những trẻ khác. Người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, bất kể do mắc bệnh hay là một hoạt động thõa mãn nhất thời, đều được luật pháp để tâm và chế tài.
Cốt lõi của vấn đề là bố mẹ phải tạo được một môi trường tin cậy lẫn nhau, quan tâm đến con cái, bình tĩnh trao đổi với trẻ, và đặc biệt cho trẻ biết trẻ sẽ không bị bất cứ hình phạt nào khi kể ra với bạn. Điều quan trọng nhất là sự nhạy cảm và tinh tế của phụ huynh cảm nhận được những bất thường ở đứa con yêu quý của mình.
– Bắt đầu trò chuyện về giới tính khi trẻ 2 tuổi:
Theo các chuyên gia giáo dục giới tính, hãy bắt đầu trò chuyện về giới tính khi trẻ 2 tuổi. Điều này nghe có vẻ sớm, nhưng trẻ em dưới 12 tuổi có nguy cơ bị xâm hại nhiều nhất khi 4 tuổi. Ngay cả khi trẻ chưa thể nói tốt nhưng ở độ tuổi này, trẻ đang trong quá trình tìm hiểu và khám phá những điều xung quanh.
Hãy cho trẻ biết rằng, cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
Khi tắm cho trẻ, hãy nói cho trẻ biết rằng, không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của con, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.
Cha mẹ hãy giải thích cho trẻ về sự khác biệt giữa những bí mật “tốt” và “xấu”. Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình” thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật có tính chất “tốt” có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật “xấu” là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi và con cần nói ra.
Hãy nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo…
Bác sĩ Lan Hải giới thiệu Quy tắc bàn tayđược chia thành 5 vòng tròn giao tiếp mà cha mẹ cần dạy trẻ để giúp trẻ tự bảo vệ mình. Quy tắc này không chỉ phù hợp với trẻ mầm non mà cả với trẻ tiểu học và vị thành niên.
1. Chỉ người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột mới được ôm hôn con.
2. Với bạn bè, thầy cô, họ hàng chỉ được nắm tay con.
3. Khi gặp người quen chỉ bắt tay.
4. Nếu đó là người lạ chỉ vẫy tay.
5. Xua tay để tránh không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.
Mong rằng những thông tin này sẽ giúp ích cho ba mẹ trong việc nuôi dạy con. Ngoài ra, ba mẹ muốn tìm một môi trường giáo dục thân thiện cho con, tránh những thành phần, tác nhân xấu thì có thể tham khảo thêm tại đây để biết thêm thông tin chi tiết.