8 quy tắc khi cho con ăn dặm mẹ phải thuộc “nằm lòng”
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, ăn dặm là bước chuyển biến quan trọng giúp con làm quen dần với mùi vị thức ăn và hấp thụ các chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ.
Dưới đây là 8 quy tắc cho con ăn dặm mẹ nào cũng phải biết.
1. Xác định đúng thời điểm bắt đầu và kết thúc
Trẻ cần được bắt đầu ăn dặm từ khoảng 6 tháng tuổi (có thể sớm hơn , tùy theo khả năng của bé) và kết thúc quá trình ăn dặm khi được 24 tháng tuổi.
Khi bé đạt 6 tháng tuổi, năng lượng bé cần mỗi ngày là 700kcal nhưng sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 450kcal, do đó, thực phẩm chính là nguồn bổ sung những phần năng lượng còn thiếu đó.
Sau khi trẻ đạt 24 tháng tuổi, mẹ nên kết thúc thời kỳ ăn dặm cho bé vì cho trẻ ăn cháo hoặc bột quá lâu sẽ không sẽ khiến con đánh mất kĩ năng nhai, đi học gặp khó khăn vì ăn theo chế độ khác các bạn trong lớp.
2. Ăn từ ít đến nhiều
Khi mới bắt đầu, mẹ nên cho trẻ tập ăn bột từ ít tới nhiều, những ngày đầu vài muỗng, rồi tăng dần lên nửa bát ăn cơm mỗi bữa; 1-2 bữa mỗi ngày.
Ngay cả khi bé ăn rất ngon miệng và chén sạch nửa bát bột trong bữa ăn đầu tiên thì mẹ cũng không nên cho con ăn thêm. Do hệ tiêu hóa của con còn non nớt, do đó, nếu mẹ cho con ăn quá nhiều ngay từ lúc đầu, con sẽ bị rối loạn tiêu hóa kèm theo có nguy cơ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa khi lớn.
3. Từ loãng đến đặc
Kể từ khi sinh ra đến nay thì thức ăn – nguồn cung cấp dinh dưỡng – chính của trẻ là sữa nên khi mới tập cho con ăn dặm, mẹ nên pha loãng bột ra cho con. Nếu mẹ mua bột ăn dặm bán sẵn ( đóng hộp), mẹ nên tuân thủ cách pha bột theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì. Nếu là bột tự xay ( hoặc mua ở các cửa hàng nhận xay bột) thì khi pha bột cho bé, mẹ nên pha thành hỗn hợp loãng, mịn và sánh như kem là được.
4. Từ ngọt đến mặn
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng mẹ nên cho trẻ tập ăn bột ngọt trước (gồm bột gạo, bột yến mạch… nấu với rau, củ, quả, không có thịt và không nêm gia vị). Sau khoảng 2-4 tuần, mẹ đã có thể bắt đầu nấu bột mặn cho con.
5. Con cần thời gian làm quen với thức ăn
Mẹ hãy cho con làm quen với một loại thực phẩm trong 3-5 ngày, cách này sẽ giúp mẹ quan sát được là con có bị dị ứng với thức ăn dặm nào đó hay không.
6. Nhớ bổ sung chất béo cho con
Trên thực tế, dầu ăn không chỉ cung cấp năng lượng cho con mà còn là dung môi để hòa tan một số vitamin và khoáng chất chỉ tan trong dầu. Do đó, mẹ hãy nhớ cho thêm một muỗng cà phê dầu ăn vào mỗi bát bột của con,mẹ nhé ( dầu olive sẽ tốt hơn). Nên cho dầu vào sau khi đã tắt bếp và cho ra bát.
7. Cân đối 4 nhóm thực phẩm
Khi trẻ đã có thể ăn bột mặn, mẹ cần bổ sung đầy đủ và cân đối 4 nhóm thực phẩm cho con gồm:
– Nhóm bột đường: gạo, nếp, bột mì, bánh mì, nui, phở, hủ tiếu,..
– Nhóm đạm: thịt, cá, trứng, sữa, tôm,…
– Nhóm béo: dầu, mỡ, bơ, hạt có dầu.
– Nhóm vitamin và chất khoáng: rau củ, trái cây các loại.
Không nên bổ sung một nhóm chất mà quá nhiều, một số mẹ có suy nghĩ rằng: một bát cháo phải có đủ thịt, cá, trứng sữa thì mới là đủ chất. Lượng đạm quá nhiều không những làm bé bị rối loạn tiêu hóa mà còn dẫn đến biếng ăn
8. Không nêm gia vị
Trẻ dưới 1 tuổi khi cho con ăn dặm tuyệt đối không được nêm thêm gia vị, nhất là muối, nước mắm và bột nêm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thận của trẻ khi ấy còn khá non yếu, nếu mẹ cho con ăn muối sớm sẽ gây quá tải cho thận của con.
Ngoài việc cho con ăn dặm và uống sữa đầy đủ, mẹ còn nên cho con uống thêm một số loại nước trái cây khác để bổ sung thêm vitamin.